Cách mạng công nghiệp 4.0

Lo mắc kẹt bởi bộ máy mới 1.0

Thủ tướng tham quan gian hàng trưng bày công nghệ của Tập đoàn viễn thông Viettel.
Thủ tướng tham quan gian hàng trưng bày công nghệ của Tập đoàn viễn thông Viettel.
TP - Nhấn mạnh bốn vấn đề chính để bước lên “đoàn tàu 4.0”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tư duy mới, cách làm mới là vô cùng quan trọng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, những bộ phận người dân còn khó khăn. Từ những hoạt động như nuôi tôm, nông nghiệp, cho tới đánh bắt ngoài khơi cũng cần có thay đổi tư duy. Thành công hay không chính là từ nhận thức và hành động.

Tiếp cận đúng để tránh tụt hậu

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động nhanh chóng và ngày càng mạnh mẽ đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước đã xây dựng chiến lược quốc gia để chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc CM có tính đột phá này.

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng lo ngại, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia. Từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Bộ máy quan liêu tầm 1.0

Theo ông Santosh Mehrotra, Giáo sư Kinh tế và Chủ tịch Trung tâm lao động, Trường ÐH Jawaharlal Nehru (Ấn Ðộ) khi kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu, nhìn chung, Việt Nam đảm trách bước sản xuất sử dụng công nghệ thấp nhất. Các doanh nghiệp tư nhân do nước ngoài sở hữu có lợi thế khác biệt so với các nhóm sở hữu khác, điều này khiến cho khu vực tư nhân trong nước gặp khó khăn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Lo mắc kẹt bởi bộ máy mới 1.0 ảnh 1

Quán quân sáng tạo của UNDP - robot Sophia chia sẻ với báo chí về những giải pháp giúp Việt Nam đuổi kịp “đoàn tàu” 4.0.

“Trong một vài thập kỷ tới sẽ có xấp xỉ 56% công việc phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao. Tại Việt Nam, lao động có trình độ học vấn/kỹ năng thấp còn chiếm tỷ lệ lớn. Việt Nam vẫn thiếu một khung điều phối hợp lý cho chính sách công nghiệp (chính sách ngành cụ thể; chính sách thương mại, kinh tế vĩ mô và các chính sách khác). Các chiến lược và kế hoạch từng ngành được xây dựng riêng biệt không có sự phối hợp. Về chính sách đầu tư, không có sự phân biệt giữa các ngành, ngoại trừ các ngành được ưu tiên đầu tư...”, ông Santosh Mehrotra chỉ ra những bất cập hiện tại của Việt Nam.

Ðể tiến lên phía trước, hoặc có bước tiến nhảy vọt, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải nâng cấp cách thức chính phủ vận hành. “Một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của Công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong Bộ máy Quan liêu 1.0”, ông Ousmane Dione phân tích.

Giám đốc Quốc gia WB tin rằng, một công thức với ba yếu tố, tương tự như chiếc kiềng ba chân, có tầm quan trọng mật thiết với Công nghiệp 4.0 sẽ thực sự giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, là: công nghệ, thể chế và con người.

Quán quân sáng tạo của UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc)- người máy Sophia (đươc đánh giá có trí tuệ siêu việt), cho rằng: Việt Nam đã đi đúng hướng trong khai thác internet. Công nghệ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt liên quan đến năng suất, hoạt động kinh tế. Việt Nam cũng cần làm việc với các cơ quan tư nhân để mang lại lợi ích lớn hơn, dùng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) để hỗ trợ vùng sâu xa, vùng dễ bị tổn thương, người nghèo trong xã hội. Về thách thức, theo Sophia, con người cần được trang bị các kỹ năng cần thiết trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là những người nghèo. Với người trẻ, cần có kỹ năng của thế kỷ 21, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của nền kinh tế mới, cần có sáng tạo công nghệ mới không ngừng. Thách thức và cơ hội cần phải được nhìn nhận rõ. Chính phủ cần có ưu tiên rõ ràng trong giáo dục, đào tạo để không ai bị bỏ lại phía sau.
MỚI - NÓNG