Lo ngại 'bom xăng' trong thành phố

Lo ngại 'bom xăng' trong thành phố
Tp - Thảo luận Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC), hôm qua (12/6), ĐB kiến nghị những cây xăng không đảm bảo an toàn thì phải ngừng hoạt động.

> Chưa phát hiện cây xăng Petrolimex bảo kê mãi lộ
> Hà Nội: 10 cây xăng bị xóa sổ, 100 phải di dời cải tạo

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết, chỉ trong vòng 1 tuần qua tại Hà Nội, TPHCM và Nghệ An liên tiếp xảy ra 7 vụ cháy, nổ nghiêm trọng. Nguyên nhân các vụ cháy nổ hầu hết do ý thức chấp hành Luật PCCC của người dân chưa cao.

Không ít ĐB lo ngại về tình trạng mất an toàn tại các cây xăng hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đó là hệ quả của cung cách quản lý rất mất an toàn. Ví dụ chỉ cần một người không chấp hành quy định như bật máy lửa hút thuốc... sẽ gây hậu quả rất lớn tại các điểm bán xăng dầu.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, nếu các cây xăng ở gần khu dân cư, các cơ sở kinh doanh có nguồn lửa sẽ là một thảm họa khi cháy nổ xảy ra. “Cần bổ sung tiêu chí khoảng cách an toàn khi cấp phép đăng ký kinh doanh và phải nghiêm cấm cấp phép kinh doanh đối với những trường hợp không bảo đảm tiêu chí khoảng cách an toàn theo quy định” - bà Khánh đề nghị.

Có ĐB lưu ý, cần quy định về phòng cháy tại các đô thị, khu nhà cao tầng như thế nào đó để khi có sự cố cháy thì lực lượng PCCC có đủ khả năng chữa cháy. “Nên đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại như xe ô tô có thang chữa cháy nhà cao tầng, máy bay trực thăng chữa cháy và các dụng cụ chuyên dụng khác phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy” - ĐB Dung phát biểu.

Thương vong đáng suy nghĩ

Một số ĐB cho rằng phải nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC cao hơn nữa, vì đây là lực lượng chuyên trách nhiệm vụ này. “Báo cáo 10 năm thực hiện Luật PCCC mới nêu những thành tích mà chưa đánh giá được những hạn chế của lực lượng PCCC mà chỉ đề cập lực lượng này mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu” - ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

ĐB Phương cũng gợi mở, Luật có đề cập trách nhiệm của người đứng đầu khi có vi phạm về cháy nổ, tùy mức độ để xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trong các quy định lại không thấy trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy đâu cả.

Theo ĐB Khánh, những tổn thất, những thương vong đáng tiếc của lực lượng PCCC đã xảy ra rất đáng suy nghĩ. “Toàn TP Hà Nội hiện chỉ có 50 bộ quần áo phòng cháy, chữa cháy, mỗi bộ khoảng 300 triệu. Đồng chí giám đốc sở PCCC nói rằng một số phương tiện chúng ta đi xin lại của Nhật Bản” - bà Khánh chia sẻ và đề nghị bổ sung quy định “nhà nước phải bảo đảm các phương tiện hiện đại để phục vụ PCCC”.

Cũng trong sáng 12/6, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống khủng bố, gồm 8 chương, 51 điều, với 447 đại biểu tán thành (chiếm 89,76%). Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Các hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; che giấu, chứa chấp, không tố giác hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; làm lộ bí mật nhà nước trong phòng, chống khủng bố; cố ý lan truyền thông tin giả về khủng bố, tài trợ khủng bố; cản trở, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống khủng bố...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG