Lo ngại dịch sởi bùng phát trở lại

Bệnh nhi mắc sởi trong đợt dịch năm 2014 tại B.V Nhi T.Ư.
Bệnh nhi mắc sởi trong đợt dịch năm 2014 tại B.V Nhi T.Ư.
TP - Trong một tháng qua có 13 tỉnh thành phố xuất hiện bệnh nhân nghi mắc sởi. Ngành y tế đã xác định 28 ca dương tính với sởi và một số ổ dịch nhỏ. Thông tin trên được TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, ngày 5/2.

Hiện tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho 21 bệnh nhi mắc sởi. Ông Phu cho hay điều ngành y tế lo lắng là phần lớn các ca bệnh tập trung chủ yếu tại Hà Nội với 7/28 ca và rất dễ có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch nhỏ. Năm 2014, dịch sởi với diễn biến bất thường đã gây ra số ca mắc và tử vong cao nhất tại Hà Nội. Những tỉnh thành khác cũng đã ghi nhận bệnh nhân mắc sởi gồm: Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TPHCM, Đắk Lắk.

Ông Phu quan ngại: “Chúng tôi lo lắng dịch sởi trong mùa Đông Xuân vì theo xu hướng của năm 2014, mặc dù tháng 1 có số ca sốt phát ban nghi sởi thấp nhưng đến tháng 5/2014 đã có tới hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh. Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus, dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa loại trừ được bệnh sởi”.

Báo cáo của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ dưới 12 tháng tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi có 13 trường hợp, chiếm 61%. Trước nguy cơ dịch sởi có thể quay lại như vụ dịch năm 2014, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tổ chức tiêm vét ngay cho nhóm trẻ từ 9 tháng đến 1 tuổi, không chờ vắc-xin dịch vụ vì hiện nay đang là thời điểm dịch bệnh mùa Đông Xuân, trong đó có sởi. 

Không cung ứng đủ vắc-xin, không cho tiêm dịch vụ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự lo lắng nếu để dịch sởi hoành hành như năm 2014. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu: “Các đơn vị triển khai quyết liệt hoạt động tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9-12 tháng. Nếu không đến tháng 3-4 để dịch xảy ra như năm ngoái rất vất vả cho toàn ngành và khổ cho dân. Bên cạnh đó cần xem xét lại mô hình tiêm chủng. Việc chỉ tập trung vào 3 ngày trong một tháng như hiện nay khiến một số trẻ bị chậm tiêm chủng, tăng khả năng lây nhiễm bệnh”. Bà Tiến cho rằng, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ bài học của nước Mỹ khi quốc gia này thông báo đã loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 nhưng năm 2014 dịch sởi đã quay lại. 

“Hệ thống y tế hiện nay thông suốt từ trên xuống dưới, cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hệ thống tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiêm khoảng 1,5 triệu người/năm”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng Tiến yêu cầu, các điểm đăng ký tiêm dịch vụ phải lo đặt hàng, đến khi người dân đi tiêm đủ mà đơn vị nào không đủ khả năng cung ứng vắc-xin dịch vụ so với nhu cầu người dân đăng ký thì không cho đơn vị đăng ký tiêm dịch vụ.

Nói lại vấn đề tiêm nhầm thuốc trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Trong lịch sử không bao giờ tiêm nhầm như thế, đây là điều đau đớn cho ngành y tế. Chỉ vài điểm đó phá tan toàn bộ công sức của cả ngành, mất niềm tin. Người ta không tin vào tiêm chủng thường, điều này cực kỳ nguy hiểm”. Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh cần tập  huấn kỹ người ngồi vào bàn tiêm, các cở sở sản xuất vắc-xin Việt Nam cần riêng biệt mỗi loại vắc-xin một loại nhãn để dễ phân biệt.

MỚI - NÓNG