Lo ngại đổi 'đất vàng' lấy những công trình BT giá trị thấp

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp (ảnh Như Ý)
ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp (ảnh Như Ý)
TPO - Trong việc thực hiện các dự án BT, ĐBQH lưu ý phải tránh được tình trạng, Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt.

Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo ĐB Hoàng Quang Hàm – Phú Thọ, các dự án PPP thời gian qua đã huy động hơn 1 triệu 600 ngàn tỷ đồng, đóng góp lớn cho phát triển của đất nước. Tuy nhiên việc thực hiện các dự án BOT gần đây có dấu hiệu chững lại, riêng lĩnh vực giao thông, từ năm 2016 đến nay Bộ GTVT chưa triển khai thêm được dự án BOT nào.

Trong khi đó, nhiều dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu bị dừng lại, có dự án phải dừng thu phí chưa biết bao giờ thực hiện thu. “Điều này khiến phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, sau này người dân phải trả qua tiền phí. Việc dừng thu phí phá vỡ phương án tài chính, gây hệ lụy cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng”, ông Hàm nói.

Đối với các dự án BT, ông Hàm phản ánh việc thanh toán bằng quỹ đất bất hợp lý, nhà đầu tư thu lợi quá lớn gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại cho nhà nước… “Thực trạng này cho thấy chính sách về dự án PPP đang có vấn đề, không hoàn thiện, khó kêu gọi đầu tư hoặc tiếp tục gây thiệt hại cho nhà nước”, ông Hàm nói.

Lo ngại đổi 'đất vàng' lấy những công trình BT giá trị thấp ảnh 1  ĐBQH Hoàng Quang Hàm - Phú Thọ (ảnh Như Ý)

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Theo ĐB Hàm, bản chất của dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng là thu được lợi nhuận. Luật phải quy định để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp nhưng số tiền, tài sản nhà nước bỏ ra hoặc người dân phải nộp là hợp lý, tối thiểu nhất. Đồng thời nhà nước phải kiểm soát được chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng.

“Một dự án PPP thành công không chỉ là có thêm một công trình mà phải là một dự án tận dụng tối đa ưu điểm, hạn chế tối thiểu các khuyết tật của dự án PPP, không gây bức xúc cho xã hội và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, ông Hàm nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG