Lo ngại hội đồng bầu cử làm phình biên chế

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 sáng 25/2. Ảnh: TTXVN.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 sáng 25/2. Ảnh: TTXVN.
TPO - Ngày 25/2, phát biểu tại phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số ý kiến nhấn mạnh: Không nên kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBC), tránh làm phình bộ máy, lãng phí nguồn lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ở một số nước, HĐBC hoạt động độc lập, kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhưng ở nước ta HĐBC được ra để bầu cử cho một nhiệm kỳ và phải chịu sự lãnh đạo của Đảng. Công tác bầu chỉ diễn ra trong một ngày là xong, kể cả bầu đại biểu Hội đồng nhân dân. Bầu xong là kết thúc nhiệm vụ, không nên  kéo dài nhiệm kỳ. Nếu cần phải bầu bổ sung ngay và Quốc hội cũng có thể quyết định thành lập HĐBC để bầu bổ sung khi cần thiết, nhưng thực tế các nhiệm kỳ qua không phải bầu lại Quốc hội. Vì vậy, không nên quy định lập một Hội đồng BCQG tồn tại cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch HĐDT Ksor Phước cho biết, ông rất lo ngại nếu thành lập một cơ quan phục vụ bầu cử tồn tại cả nhiệm kỳ bởi  sẽ làm phình biên chế, bộ máy, rất lãng phí.

“Một hội đồng lập ra như vậy, cho dù là 2, 3 người nhưng tồn tại cả nhiệm kỳ có lẽ cũng chỉ để lau bàn ghế thôi. Nhà nước vẫn phải trả lương đủ 365 ngày một năm, chưa kể phải có xe riêng nữa. Như vậy thì lãng phí quá. Bài học phình biên chế đã có rồi” – ông Phước bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu cũng nghiêng về phương án chỉ nên thành lập HĐBC theo hướng sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ giải tán. Việc duy trì bộ máy này suốt cả nhiệm kỳ không cần thiết. Bầu thêm đại biểu trong một nhiệm kỳ là việc hãn hữu, không nên có một cơ quan kéo dài thời gian hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, vì không phù hợp với cải cách hành chính.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, HĐBC quốc gia nên theo phương án 1, chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, thay vì quy định thành viên của HĐBC quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ của phương án 2.

Theo phương án 1, các thành viên của HĐBC quốc gia hoạt động kiêm nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn vẫn giữ như Hội đồng bầu cử ở trung ương theo quy định của Luật Bầu cử hiện hành.

Ưu điểm của phương án này là bảo đảm được tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử trung ương; không làm phát sinh thêm bộ máy.

Thống nhất quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, thực tế các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây chưa thấy phải bầu bổ sung, nếu cần bầu thì thành lập hội đồng theo quy định của Hiến pháp.

Đề nghị quy định cấm đi bầu thay

Theo Tờ trình của Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc quy định cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ngay trong Luật này lại là điều khó khả thi. Bởi lẽ, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng địa phương nhất định và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Thực tiễn cho thấy, tại mỗi nhiệm kỳ có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi khóa cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, luật cần nghiên cứu, quy định về cơ cấu, tỷ lệ đại biểu rõ hơn. Cụ thể, bao nhiêu dân có một đại biểu, số lượng chuyên trách là bao nhiêu. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, khi bầu có thể thấp hơn, nhưng cũng không nên để thấp quá, nếu bầu thiếu 10% phải bầu bổ sung.

Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách quy định là 35%, bầu cao hơn 40 - 50% càng tốt, nhưng nếu chỉ đạt 20% thì cũng phải bầu bổ sung. Tỷ lệ đại biểu nữ, dân tộc, số dư ứng viên cũng nên quy định có  tỷ lệ phù hợp.

Để tránh hiện tượng đi bầu hộ, bầu thay, Chủ nhiệm Trương Thị Mai kiến nghị, nên chăng có quy định về những điều cấm: Cấm bầu thay, bỏ phiếu thay, một gia đình không cử đại diện đi bầu thay; cấm thúc ép người dân đi bầu sớm. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định cấm như vậy cũng khó vì cấm phải có chế tài, phải xử lý được vi phạm.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG