Phố cổ Hà Nội hướng đến 1.000 năm Thăng Long:

Lo ngại nhất là di dân, tôn tạo nhà cổ

Lo ngại nhất là di dân, tôn tạo nhà cổ
TP - Không ít lo ngại về tiến độ giải phóng mặt bằng trong khi cơ chế đầu tư tôn tạo nhà cổ ở Hà Nội vẫn còn chung chung, thiếu tính khả thi.

Hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố đang triển khai hàng loạt các công trình dự án phố cổ Trung tâm thông tin phố cổ đang được xúc tiến xây dựng tại 28 Hàng Buồm, diện tích đất xây dựng là 257 m2.

Mặt đứng kiến trúc đoạn phố Tạ Hiện (tính từ ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ) dài 55 mét sẽ được cải tạo theo hướng trả lại kiến trúc gốc. Đây là đoạn phố hiện còn lưu giữ tương đối rõ kiến trúc nhà cổ. Dự kiến cuối năm 2009 sẽ khởi công dự án cải tạo này.

Theo đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, hai dự án khác là tu bổ đình Kim Ngân (tại 42-44 Hàng Bạc), nơi thờ ông tổ nghề đúc tiền kim hoàn và trung tâm giao lưu văn hoá tại 50 Đào Duy Từ có diện tích đất 545 m2, theo kế hoạch, cũng sẽ khởi công xây dựng trong năm 2009.

Trung tâm giao lưu văn hóa là nơi sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa phi vật thể, các hoạt động giao lưu giữa văn hoá Hà Nội với các vùng miền, các nền văn hóa khác, các hội thảo, trao đổi, trưng bày...

So với phố cổ Hà Nội, đô thị cổ Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam) được nhiều chuyên gia đánh giá là nơi được bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, các giá trị văn hoá tốt hơn.

Tháng 11/2008, tạp chí National Geographic (Mỹ) công bố bảng xếp hạng 110 điểm đến có giá trị lịch sử trên thế giới năm 2008. Đô thị cổ Hội An được xếp thứ 83 và phố cổ Hà Nội thứ 94.

Tuy nhiên, thời gian từ nay đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội chỉ vỏn vẹn hơn một năm. Lo ngại nhất của UBND Quận Hoàn Kiếm là giải phóng mặt bằng, di dân để thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo đang gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND Phường Hàng Buồm Nguyễn Quyết Thắng cho biết, năm 2008, Thành phố quyết định xây Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ.

Trước đó, ròng rã cả chục năm, Thành phố có chỉ đạo di dời 38 hộ với 143 nhân khẩu dân ra khỏi khu nhà này để lấy đất phục vụ mục đích công cộng, nhưng mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cuộc sống của nhiều hộ dân tại 50 Đào Duy Từ hết sức nhếch nhác, tệ nạn xã hội phát triển.

Có gia đình hai nhân khẩu nhưng phải sống trong căn nhà tạm bợ diện tích chưa đầy bảy mét vuông! Đa số các hộ dân đều muốn có nơi ở mới rộng rãi, khang trang hơn.

Ông Nguyễn Quyết Thắng đề nghị có chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phù hợp hơn. “Với những căn nhà cổ thuộc quyền sở hữu của dân, chính sách tôn tạo còn quá nhiều bất hợp lý.

Thành phố quy định, muốn xây dựng, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc cũ trong khi đó,  nếu bỏ tiền túi ra cải tạo mà không tăng diện tích ở, đa số hộ dân đều không muốn. Do nhiều hộ sống chung trong các căn nhà cũ nát thu nhập thấp, lại phát sinh mâu thuẫn nên khó tìm được tiếng nói chung về phương án cải tạo.

Nhiều chương trình di dân lại chậm triển khai. Cứ như vậy, nhà cổ đang ngày càng xuống cấp” - Phó Chủ tịch Phường Hàng Buồm Nguyễn Quyết Thắng lo lắng.

MỚI - NÓNG