Lo ngại “quyền im lặng” bị lạm dụng

ĐB Đỗ Văn Đương lo ngại quyền im lặng bị lợi dụng
ĐB Đỗ Văn Đương lo ngại quyền im lặng bị lợi dụng
TPO - Nêu ra hàng loạt vụ thảm sát trong thời gian qua, Đại biểu (ĐB) Quốc hội Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nếu quy định quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Ngày 26/8, Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Tỏ ra không đồng tình với quy định quyền im lặng, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) dẫn dụ hàng loạt vụ thảm sát: “Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, nếu có quyền ấy thì đối tượng nói luôn “tôi im lặng cho đến khi có luật sư”. 

Rồi nhiều vụ thảm sát khác ở miền Trung, Tây Nguyên đấy, cứ im lặng hết thì làm sao? Không nói gì hết thì làm sao biết được vũ khí gây án ở đâu? Rồi vụ ở Vũng Tàu, không bắt được nó tiếp tục giết người, rất nguy hiểm”. ĐB Đương nêu quan điểm, đồng thời đề nghị “đừng đưa ra quy định làm bó tay cơ quan tố tụng, như vậy là có lỗi với đất nước, với nhân dân”.

Trước kiến nghị của Viện kiểm sát về việc trong trường hợp không đủ chứng cứ buộc tội nặng hơn thì xử lý theo hướng có lợi cho họ, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp tỏ ra không đồng tình. ĐB dẫn dụ, Điều 31 Hiến pháp quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

“Trong quá trình xét xử, thấy bản án không đủ chứng cứ cũng phải kết luận không có tội. Vậy trong giai đoạn điều tra thấy không đủ chứng cứ cũng phải trả tự do cho người ta, còn trong giai đoạn truy tố thấy không đủ chứng cứ buộc tội thì cũng phải tuyên người ta vô tội", ĐB Thảo nêu.

Đề nghị cân nhắc về quy định buộc phải ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung ở cơ quan điều tra hay nơi giam giữ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh: “Nhiều anh em điều tra nói rằng, nhiều lần họ gặp đối tượng chủ yếu để khuyên giải khai ra sự thật. Vậy ghi âm, ghi hình để làm gì? Biết ghi biên bản thế nào? Chẳng lẽ lại ghi cảm hóa đối tượng?”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì cho rằng, ghi âm, ghi hình để đảm bảo minh bạch trong quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can khỏi bị nhục hình, và cũng để bảo vệ cho người hỏi cung không bị vu cáo. ĐB cho hay, nhiều người có liên quan muốn ghi âm, ghi hình nhưng cán bộ điều tra không cho nên nhiều vụ án chứng cứ bị mất đi, không chứng minh được. Theo ông Hùng, quy định phải quy định ghi âm, ghi hình là cần thiết, chứ không phải muốn làm thì làm.

MỚI - NÓNG