Lộ nhiều sai phạm trong quy hoạch, đầu tư tại các khu công nghiệp TPHCM

Lộ nhiều sai phạm trong quy hoạch, đầu tư tại các khu công nghiệp ở TP HCM
Lộ nhiều sai phạm trong quy hoạch, đầu tư tại các khu công nghiệp ở TP HCM
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình kiểm toán việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước (NSNN) của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn TPHCM.  

Chưa lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt

Qua kiểm toán cho thấy, quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước về quy hoạch, quản lý đầu tư còn một số tồn tại như: UBND TPHCM ban hành các Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khi chưa tiến hành lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt; ban hành các quyết định chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 của 14 KCN theo hướng tăng 164,55 ha diện tích đất công nghiệp; giảm diện tích đất cây xanh, giao thông, trung tâm công cộng, khu xử lý kỹ thuật.

Một số quyết định chấp thuận điều chỉnh lại quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 được ban hành sau khi các chủ đầu tư tại một số KCN thực hiện, có tính chất hợp thức hóa các sai phạm trong tuân thủ quy hoạch; quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền quy định tại Nghị số 16/2005/NĐ-CP và vi phạm quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt…

Đến nay, UBND TPHCM đã có Quyết định điều chỉnh quy hoạch diện tích theo thực tế thành lập và theo các quyết định duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 của 6 KCN. So với diện tích được phê duyệt Danh mục quy hoạch KCN của TP.HCM tại Công văn 1300/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích đất KCN, KCX của TP.HCM giảm 150,06 ha.

Việc điều chỉnh quy hoạch đó ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010 có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc điều chỉnh khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vi phạm quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc điều chỉnh diện tích KCN.

Cũng theo KTNN, Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, làm chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư KCN, KCX. Các công ty đầu tư hạ tầng KCN chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt, chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng KCN theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt mà chỉ tiến hành đầu tư từng hạng mục để cho thuê là chưa tuân thủ quy định của Chính phủ.

Qua kiểm toán phát hiện hiện trạng sử dụng đất tại một số KCN không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt như: Sử dụng diện tích đất xây dựng công trình công cộng, cây xanh để cho thuê đất công nghiệp, kho bãi; sử dụng đất công nghiệp dịch vụ cho đơn vị thuê lại đất sử dụng mục đích khác.

Sở Tài nguyên và Môi trường chậm ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất, thời gian hợp đồng cho thuê đất không phù hợp với thời gian sử dụng đất được duyệt; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với thời gian được sử dụng đất theo Quyết định cho thuê đất.

Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân

Bên cạnh những tồn tại cần khắc phục trong việc tuân thủ quy hoạch, quản lý đầu tư, qua kiểm toán cũng phát hiện nhiều hạn chế trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN.

Việc chưa có cơ chế quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Quản lý KCN, KCX trong việc thu, quản lý, sử dụng phí tiện ích công cộng, phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cũng như tài sản hình thành từ nguồn phí này dẫn đến việc thu phí tiện ích công cộng không đồng bộ, thống nhất giữa các KCN.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán được phát hiện, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, thu vào NSNN là gần 1.639 tỷ đồng, gồm: các khoản thuế phải nộp hơn 149 tỷ đồng, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hơn 1.486 tỷ đồng và Khoản tiền chậm nộp (tính trên số tiền thuê đất chưa nộp đến ngày 31/12/2016) phải tính từ ngày 1/1/2017 đến thời điểm doanh nghiệp đã nộp tiền (đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp theo thông báo của cơ quan thuế), và tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán (đối với trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai chưa nộp) gần 3,5 tỷ đồng.

KTNN cũng đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác tuân thủ quy hoạch, quản lý đầu tư và quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư, thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN kiến nghị Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1645/GPĐC9, trong đó cho phép Chi nhánh Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân được hưởng ưu đãi thuế TNDN không đúng quy định của pháp luật về thuế TNDN; Điều chỉnh nội dung ưu đãi thuế TNDN tại Giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1645/GPĐC9 theo đúng quy định pháp luật về ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động đầu tư mở rộng.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét lại quy định việc xác định đơn giá tiền thuê đất trả một lần giữa 2 thời kỳ (từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/10/2009 và từ ngày 1/10/2009 đến trước ngày 1/7/2014) nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp thuê đất để thực hiện đầu tư khu công nghiệp; Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra và có chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng được nhà nước cho thuê đất hàng năm nhưng đã cho thuê lại đất thu tiền một lần từ ngày 1/7/2014, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 149 Luật đất đai năm 2013.

Từ năm 1992 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có 19 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích 4.546,14 ha, trong đó: 12 KCN, KCX với diện tích 1.899,94 ha đã cơ bản hoàn thành đầu tư và cho thuê lại đất; 5 KCN và 1 khu mở rộng với diện tích 1.891,9 ha đang đầu tư và cho thuê lại. Việc hình thành các KCN, KCX có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cùng với sự đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ của nhà đầu tư đã giải quyết việc làm cho khoảng 290.785 lao động; thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến…

MỚI - NÓNG