Bắc Kạn:

Lo sập trường

Lo sập trường
TP - Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng được ba năm, bảy phòng học của Trường phổ thông cơ sở (PTCS) xã Liêm Thủy (Na Rì, Bắc Kạn) đang xuống cấp nặng.
Lo sập trường ảnh 1
Vết nứt tại trường PTCS xã Liêm Thủy

Đầu tháng 3/2009, chúng tôi đến, quan sát thấy nhiều bức tường bị nứt, có chỗ kéo dài vài mét, cho vừa cả bàn tay; mái nhà bị dột nhiều chỗ, còn nền các phòng học sụt lún nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, lãnh đạo nhà trường và Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Na Rì có nhiều công văn gửi các ngành chức năng, đề nghị nâng cấp, sửa chữa ngôi trường nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm

Chúng tôi nhiều lần gọi điện liên lạc với ông Nguyễn Duy Kim - Chủ tịch UBND xã Liêm Thủy nhưng đều bị từ chối vì lý do bận. Còn lãnh đạo ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Na Rì thì giải thích; ban được thành lập năm 2002, nên không biết khi đó cơ quan nào làm chủ đầu tư.

Ông Hoàng Văn Phún - Trưởng phòng GD&ĐT nói: “Tôi chỉ biết vốn xây trường thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Còn cơ quan chủ đầu tư thì tôi không biết”! Ông Phún thừa nhận, trường vừa xây xong đã xuống cấp nghiêm trọng là đúng. Năm 2005, tường rào xung quanh trường bị đổ, Phòng GD&ĐT phải lấy kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên để xây lại.

Để đảm bảo an toàn cho thầy và trò trường PTCS xã Liêm Thủy, Phòng GD&ĐT phối hợp cùng nhà trường nhiều lần làm văn bản gửi huyện Na Rì. Cũng có một vài đoàn xuống kiểm tra nhưng sau đó không thấy có ý kiến.

Thầy Nguyễn Hữu Yên - Hiệu trưởng, cho biết tất cả các phòng học đều xuất hiện các vết nứt, mái và nền hỏng. Năm học 2008 -2009, trường niêm phong hai phòng quá xuống cấp, định không sử dụng nữa. Nhưng do không bố trí được phòng học trường phải tái sử dụng.

Trường có 13 lớp học, với 188 học sinh, trong đó 110 học sinh bậc học THCS, 78 học sinh bậc học tiểu học và 21 giáo viên.

Cô giáo Hoàng Thị Mông nói: “Mỗi khi trời mưa, chúng tôi lại phải xin các hộ dân cho ở nhờ vì lo nhà sập. Mưa xong về, phòng ở không khác gì ao, đồ trong nhà ướt hết”.

“Những hôm trời mưa, gió to, trường có thể sập bất cứ lúc nào nhưng cũng chẳng có cách nào khác” - Thầy Yên nói.

Cũng theo thầy Yên, khi thầy chuyển đến nhận công tác tại trường thì trường đã xây xong, giá xây dựng mỗi phòng học khoảng 75 triệu đồng; về chủ đầu tư, thầy cũng không nắm được.

Không chỉ phòng học bị xuống cấp, dãy nhà công vụ dành cho giáo viên hiện cũng tan hoang, trống trước hở sau. Tường bị nứt vỡ nhìn thẳng vào trong phòng.

MỚI - NÓNG