Lo tai nạn với trẻ nhỏ tại chung cư

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 15/7 tại tòa nhà RainBow Linh Đàm.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 15/7 tại tòa nhà RainBow Linh Đàm.
TP - Hàng loạt vụ trẻ nhỏ rơi từ các tầng cao chung cư xảy ra thời gian gần đây khiến nhiều gia đình nơm nớp lo ngại, tìm các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ khi người lớn vắng nhà.

Lắp lưới bảo vệ vẫn chưa an tâm

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều người dân sống tại các tòa chung cư cao tầng lo lắng sau khi xảy ra hàng loạt vụ trẻ em bị tai nạn thương tâm. Bà Trần Thị Hoan (64 tuổi, quê Thái Bình, sống tại tầng 28 tòa nhà HH4C Linh Đàm) tỏ ra rất lo lắng về việc ban công không có lưới bảo vệ an toàn trong khi nhà có trẻ nhỏ. “Việc đầu tiên khi đến nhận nhà, gia đình chúng tôi và các hộ dân trong tầng đã họp và thống nhất đóng góp 1 triệu đồng làm lưới bảo vệ ngoài ban công nên cũng đỡ lo phần nào” - bà Hoan cho biết.

Nhà có cậu con trai 6 tuổi lại hiếu động, chị Ngô Phương Trang (33 tuổi) sống tại tầng 36 tòa nhà trong khu Linh Đàm không dám để con chơi một mình và phải nghỉ ở nhà trông. Cùng với đó các cửa ra vào, cửa sổ được chị khóa chặt. “Gia đình đã lắp lưới bảo vệ bằng sợi cáp nhỏ ngoài ban công nhưng về độ an toàn thì chúng tôi vẫn không yên tâm do các cháu vẫn có thể kéo ra được. Gần đây, khi nghe thông tin cháu bé rơi từ tầng 11 tòa chung cư, chúng tôi lại càng lo lắng và kiến nghị BQL tòa nhà làm khung sắt đảm bảo an toàn hơn nhưng chưa nhận được sự đồng ý” - chị Trang chia sẻ.

Cần thanh, kiểm tra công trình sai phạm

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hằng năm xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương liên quan đến trẻ em ở các tòa chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau mỗi sự việc, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, chủ đầu tư và đặc biệt chính những người dân sống tại các chung cư đó mau chóng bị lãng quên, để rồi những tai nạn cứ tiếp diễn.

Theo ông Chủng, trong quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05/2008 do Bộ Xây dựng ban hành: “Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe” đã nêu rất rõ, riêng phần lan can phải được làm cao từ 1,4 mét trở lên và có cấu tạo không thể leo trèo. Nhà cao tầng không được làm ban công nhô ra ngoài mặt đứng của tòa nhà, chỉ được phép làm lô gia thụt vào bên trong. Đây là quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng.

“Để làm được điều này, chính quyền địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra trọng điểm vào dấu hiệu liên quan đến an toàn sinh mạng con người, đặc biệt vi phạm về lan can, lô gia. Phát hiện những công trình không đạt quy chuẩn thì yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, nếu đã bàn giao thì buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm với công trình” - PGS.TS Trần Chủng chia sẻ.

Kiến trúc sư Phan Trung Hiếu (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm thực tế, để có thể giảm thiểu tai nạn cho trẻ em tại các tòa chung cư, việc đầu tiên khi thiết kế phải đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn như chiều cao lan can, cửa sổ... Lan can thì không được làm bằng thanh ngang mà bắt buộc phải làm bằng các thanh dọc. Các bậc phụ huynh không nên để những vật thấp gần khu vực lan can để tránh trường hợp trẻ chơi đùa leo trèo lên dễ dàng.

MỚI - NÓNG