Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa

Đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa”.
Đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa”.
TPO - Nhiều bài học quý báu được rút ra từ Lộ Vòng Cung Cần Thơ khi nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 20/12, Thành ủy Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa”. Hội thảo nhận được gần 100 tham luận về lịch sử chiến tranh trên địa bàn Lộ Vòng Cung, thành phố Cần Thơ, bài học kinh nghiệm, ý nghĩa giá trị cũng như định hướng phát triển cho di tích lịch sử cấp quốc gia Lộ Vòng Cung Cần Thơ.  

TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết 50 năm trôi qua, khi nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Lộ Vòng Cung Cần Thơ, chúng ta thấy được niềm tự hào sâu sắc, đặc biệt là những bài học quý báu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, về xây dựng thế trận lòng dân, lực lượng vũ trang nhân dân…

Lộ Vòng Cung có từ thời kháng chiến chống Pháp, là tuyến đường chạy dọc theo bờ sông Cần Thơ hình cánh cung bao quanh gần trọn nội ô thành phố Cần Thơ, bắt đầu từ cầu Cái Răng, đi qua các phường, xã của quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và quận Ô Môn.

Đây chính là vành đai phòng thủ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố giữ để bảo vệ cơ quan đầu não vùng 4 chiến thuật và tiểu khu Phong Dinh đóng tại thành phố Cần Thơ. Địch đã đóng hàng trăm đồn bốt, sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom, thậm chí còn rải chất độc hóa học, thực hiện “vùng lộ trắng”…

Nơi đây, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chọn làm điểm tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch như Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 (vùng 4 chiến thuật), sân bay Trà Nóc, căn cứ hải quân…

Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa ảnh 1

Lộ Vòng Cung là địa bàn trọng yếu, tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. “Vòng Cung đi dễ khó về. Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” - hai câu thơ đã khái quát cho sự đánh phá ác liệt đó.  

Thiếu tướng Trần Văn Niên (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 2311) cho biết Lộ Vòng Cung lúc đó là “túi hứng bom”, là “tọa độ lửa”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn biến nơi đây thành “vành đai trắng”, không cho các lực lượng cách mạng đứng chân để làm bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của địch ở thành phố Cần Thơ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ diễn ra trong 3 đợt, kéo dài trong năm 1968, có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, mở ra cục diện mới trên chiến trường. Đây là lần đầu tiên ta dùng một lực lượng lớn tổng hợp đánh vào thành phố lớn nhất Tây Nam Bộ, bám trụ và giằng co với địch nhiều ngày ở nội ô và ven thành phố…

Năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã xếp hạng di tích “Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ” là di tích lịch sử cấp quốc gia.

MỚI - NÓNG