Loại bớt thủy điện nhỏ để giữ rừng

Thủy điện Ia Kriel 2 đã vỡ đập 2 lần
Thủy điện Ia Kriel 2 đã vỡ đập 2 lần
TP - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có chuyến khảo sát các tỉnh Tây Nguyên nhằm rà soát, đánh giá lại qui hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Thực tế các tỉnh cũng đã chủ động loại bỏ nhiều dự án thủy điện vì hiệu quả kém, tác động xấu đến môi trường.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh này đã quyết định loại bỏ 36 vị trí ra khỏi qui hoạch và 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, đồng thời rà soát 45 vị trí, công trình thủy điện còn lại. UBND tỉnh tiếp tục thu hồi chủ trương đầu tư 1 công trình, gia hạn có thời hạn với 10 công trình đang thi công. Tỉnh Đăk Lăk đến tháng 7/2014 có 26 công trình thủy điện được cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư, tổng công suất 948 MW. 


Trong đó 18 dự án tổng công suất 857 MW đã đi vào hoạt động, 1 dự án 4 MW đã khởi công nhưng tạm dừng vì thiếu vốn. Đăk Lăk cũng đã loại bỏ khỏi qui hoạch 13/22 thủy điện vừa và nhỏ, loại bỏ 69/79 điểm tiềm năng thủy điện ra khỏi quy hoạch.

Tỉnh Đăk Nông theo qui hoạch có tổng số 70 thủy điện tổng công suất 239 MW, trong đó giai đoạn 1 có 32 vị trí với tổng công suất 189 MW đã được tính toán chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật kêu gọi đầu tư; giai đoạn tiềm năng có 38 vị trí với tổng công suất 50 MW. 

Qua rà soát, UBND tỉnh loại 8 dự án ra khỏi qui hoạch. Tỉnh Lâm Đồng trước đây quy hoạch 83 vị trí xây dựng thủy điện vừa và nhỏ tổng công suất 619 MW nhưng qua rà soát đã loại bỏ 46 dự án với tổng công suất 116 MW.

Một lý do khác mà các địa phương kiên quyết loại bỏ các thủy điện vừa và nhỏ là việc tuân thủ các qui định về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, cam kết bảo vệ môi trường thiếu hiệu quả của chủ đầu tư. 

Tình trạng chất lượng một số công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ không đảm bảo an toàn như Ia Kriel 2. Các dự án thủy điện vừa và nhỏ phần lớn do tư nhân là chủ đầu tư, chất lượng thiết kế và thi công ở nhiều công trình chưa thực sự đáp ứng yêu cầu vì thiếu kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này.

Việc trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các dự án thủy điện đã đi vào hoạt động đều được các chủ đầu tư thực hiện bằng cách nộp tiền vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng, do Sở NN&PTNT mỗi tỉnh quản lý. 

Tuy nhiên cho đến nay diện tích rừng bị mất do xây dựng các công trình thủy điện vẫn chưa được trồng bù đầy đủ. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tính theo sản lượng điện bán ra chỉ bù đắp lại một phần cho công tác quản lý bảo vệ rừng trong lưu vực. Muốn trồng đủ rừng đã mất, không còn cách nào khác là phải lấy từ ngân sách.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.