Loại khỏi danh sách người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Loại khỏi danh sách người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
TP - Người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng sẽ không đưa vào danh sách ứng cử.

Người tham vọng quyền lực không được ứng cử

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Báo cáo Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo bầu cử của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ, yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo cần đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Bên cạnh đó cần lãnh đạo tốt công tác nhân sự, đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng…

“Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng”, ông Đinh Thế Huynh nói. 

Chỉ thị yêu cầu bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời đảm bảo cơ cấu hợp lý về số đại biểu, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ… Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo theo đúng quy trình pháp luật.

Chỉ thị cũng yêu cầu ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

Đảm bảo tỷ lệ độ tuổi, người ngoài Đảng

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ là 500 người. Trong đó, số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 (39,6%), riêng các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách) 114 đại biểu. Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 302 (60,4%). Trong số đại biểu này cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý về độ tuổi, giới, người ngoài Đảng, đại biểu tái cử.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tới đây sẽ có 3 hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 17/2, lần hai vào ngày 18/3 và lần ba vào 17/4. Người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử có hạn chót để nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi cư trú hoặc nơi công tác thường xuyên vào ngày 13/3. Đến ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử, kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội sẽ được công bố chậm nhất ngày 1/6 và ngày 11/6.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kết quả của cuộc bầu cử tới đây sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

MỚI - NÓNG