Loài sen kỳ lạ ở Đồng Tháp

Loài sen kỳ lạ ở Đồng Tháp
TP - Phước Kiển là ngôi chùa nhỏ thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), cách TT Nha Mân hơn 15 cây số. Ở đó có một loài sen rất lạ, người đứng lên lá không chìm.
Loài sen kỳ lạ ở Đồng Tháp ảnh 1
Sen vua tại ao chùa Phước Kiển (sư Huệ Từ, thứ hai từ trái sang)

Một cái ao nhỏ trước cửa chùa và một ao khá rộng bên hông sau, loài sen lạ có những chiếc lá khổng lồ, to bằng cái nia, vành cong lên cả tấc tay trông rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc sẽ có người hồ nghi rằng, bên dưới lá sen khổng lồ kia, chắc có khung thép đỡ nên người nặng trên 50 cân mới đứng lên trên được.

Sư cụ Thích Huệ Từ, trụ trì chùa Phước Kiển đã ngoài 70 tuổi, còn rất khỏe mạnh. Ông kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện về loài sen vua, chim hạc quý và rùa thiêng từng ở chùa. Loài sen này xuất hiện ở đây từ năm 1992, không biết nguồn gốc từ đâu. Ao nước ngày xưa là hố bom Mỹ.

Năm 1998, ao khô cạn nước làm chết sạch các loài sen, súng. Nhưng không ngờ, năm sau khi nước lên sen lại mọc và nở hoa. Hoa sen lạ này màu trắng, sau 12 giờ trưa hoa đổi sang màu hồng và chỉ nở trong 2-3 ngày thì tàn. Một dạo, các nhà khoa học từ Cần Thơ lên nghiên cứu định lấy giống sen này đi trồng ở nơi khác, nhưng không thành công.

Theo tài liệu mà chúng tôi có thì đây là loài sen Victoria Regia mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Có người đã nhìn thấy sen này tại công viên Thực vật Tây An- Trung Quốc, nó vốn được mang từ Paraguay sang dự triển lãm. Hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc cùng hai cậu con nhỏ ngồi trên lá sen từng gây xôn xao dư luận về một loài sen kỳ lạ.

Loài sen kỳ lạ ở Đồng Tháp ảnh 2
Sen Victoria Regia Nam Mỹ triển lãm tại Trung Quốc

Mặt trên của lá màu diệp lục, xếp chồng nhau theo hình vảy rồng, mặt dưới màu nâu đỏ, rất nhiều gân to và gai nhọn. Lớp gân và các “khung xương” nằm dưới to và dày bằng hai lóng tay tạo nên kết cấu khá vững chắc.

Thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn. Hạt sen nhỏ như hạt đậu ván, mềm, ăn khá ngon nên thổ dân da đỏ vùng sông Amazon gọi là “ngô trong nước”.

Sư Huệ Từ cho biết có chiếc lá đường kính trên 3 mét, vào mùa nước nổi sen no nước, mỗi ngày lớn trông thấy. Chị Hà –một du khách đến từ Rạch Giá –Kiên Giang hăm hở nhảy xuống lá sen, chấp tay niệm phật để làm mẫu chụp ảnh. “Ai nặng cỡ 60 kg trở xuống đứng lên chỉ làm lá lay động nhẹ thôi” - Sư Huệ Từ giải thích.

Loài sen quý của Nam Mỹ đã mọc và sinh sôi nảy nở tại vùng đất Châu Thành - Đồng Tháp, dường như chưa gây sự chú ý của giới khoa học. Nên chăng nó cần được quan tâm nghiên cứu và nhân giống  để loài sen lạ có thể đến được với nhiều địa phương trong cả nước.

MỚI - NÓNG