Loạn còi xe

Thường xuyên tắc đường lại bị tra tấn bởi còi xe. Ảnh: Như ý.
Thường xuyên tắc đường lại bị tra tấn bởi còi xe. Ảnh: Như ý.
TP - Nạn sử dụng còi, đặc biệt là còi hơi vô tội vạ tạm lắng một thời gian rồi bùng phát trở lại, gây bức xúc trong dư luận vì nhiều vụ tai nạn hết sức thương tâm liên tiếp xảy ra gần đây liên quan bấm còi xe bừa bãi.

Bức xúc đến độ người dân TPHCM đã trực tiếp gửi thư cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị ban hành lệnh cấm bóp còi xe bừa bãi.

Bán tràn lan, dùng bừa bãi

Trên nhiều tuyến đường nội ô TPHCM khi đến gần bệnh viện, trường học đều có biển báo cấm bấm còi song mỗi khi đường đông thì xe máy, ô tô vẫn vô tư bấm còi inh ỏi. Nhiều chiếc xe tải, xe khách được lắp đặt còi hơi, mỗi lần bấm là người đi đường lại rùng mình.

Loạn còi xe ảnh 1

Mặc dù có biển báo cấm còi nhưng nhiều người lái xe máy vẫn vô tư bấm còi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, đoạn qua Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM).

16 giờ chiều 12/1, tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh, một sản phụ qua đường để vào Bệnh viện Từ Dũ. Chưa kịp qua thì đèn tín hiệu bật xanh, chiếc xe ô tô 16 chỗ thấy đèn xanh liền bấm còi để xua đám đông dừng đỗ phía trước. Tiếng còi quá lớn khiến sản phụ suýt ngã lăn ra đường.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (50 tuổi, chạy xe ôm), đứng ở cổng Bệnh viện Từ Dũ nói đã nhiều lần chứng kiến người đi bộ qua đường tái mặt vì tiếng còi ô tô của các lái xe vô ý thức dù biển báo cấm còi sờ sờ ngay trước mặt.

Trên xa lộ Hà Nội hàng ngày có hàng nghìn phương tiện xe container, xe tải, xe khách ra vào TPHCM. Mỗi khi đường đông, tiếng còi hơi lại phát ra chát chúa. Nhiều xe buýt chạy vào làn xe máy nhưng vẫn bấm còi chói tai để giành đường.

Em Đoàn Phương Linh (sinh viên trường ĐH KHXH&NV TPHCM) cho biết: Có hôm vừa chạy qua ngã tư Thủ Đức thì xe buýt từ ngoài tấp vào bấm còi chói tai làm em loạng choạng suýt đâm vào xe chạy

bên cạnh.

Ngày 14/6/2010, chị Lê Thị Loan (31 tuổi) điều khiển xe máy chở con gái Đinh Phương Vy 2 tuổi lưu thông trên đường Kha Vạn Cân thì bị chiếc xe bồn chạy phía sau bóp còi hơi ngã xuống đường, bé Vy bị xe bồn cán chết.

Sáng cùng ngày, tại chợ Tân Thành (quận 5), còi hơi và nhiều loại còi “độc” khác cho cả ô tô và xe máy được bán công khai. Nhiều loại còi hú, hụ, bắt chước tiếng xe cứu hỏa, xe công an. Có loại còn phỏng theo tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí... hoặc phát ra tiếng em bé khóc. Anh Đức, lái xe tải đường dài chọn còi hơi cường độ lên tới 300 decibel có giá 400.000 đồng/cái. “Loại còi này tháo, lắp dễ dàng. Khi nào đưa xe đi đăng kiểm thì mình tháo ra vì xe có hai hệ thống còi, được chuyển đổi dễ dàng bằng một công tắc”, anh Đức nói.

Loạn còi xe ảnh 2 Hiện trường vụ tai nạn ở ngã ba Vũng Tàu (TP Biên Hòa, Đồng Nai) mà nhiều người dân cho rằng nguyên nhân là do tiếng còi quá lớn.

Liệu có đánh trống bỏ dùi?         

Theo quy định của Bộ GTVT, âm lượng còi xe khi tham gia giao thông chỉ được dao động từ 90 đến 115 decibel, nhưng thực tế, nhiều ô tô gắn còi hơi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với mức cho phép, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây mất trật tự an toàn giao thông. 

Đại diện Phòng Cảnh sát Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM cho biết mỗi năm, lực lượng CSGT xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng còi xe. Khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện tháo còi xe và lắp đặt lại theo quy định. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh quá trình kiểm tra, xử phạt việc lạm dụng còi xe gây mất trật tự và nguy hiểm cho người đi đường.

Theo Phó trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM Nguyễn Ngọc Tường, nạn sử dụng còi hơi tràn lan đã có từ nhiều năm trước, gây mất an toàn giao thông. UBND TPHCM đã chỉ đạo lực lượng công an mở các đợt cao điểm xử lý các tụ điểm kinh doanh, lắp đặt còi hơi, kiểm tra xử phạt các xe lắp đặt, sử dụng còi hơi trên đường,… nên tình hình đã lắng xuống. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này lại rộ lên, gây bất an cho người đi đường.

Một cán bộ Đội CSGT quận Thủ Đức cho biết rất khó xử phạt các xe có tiếng còi quá lớn vì lực lượng CSGT làm nhiệm vụ chưa có máy móc, phương tiện để đo cường độ âm thanh. Việc xử phạt hầu hết chỉ dựa vào kinh nghiệm. Trong khi đó, hình thức chế tài vi phạm còn quá nhẹ. Cụ thể, Nghị định số 171 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự như ô tô bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Mức phạt đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

Ông Robert Ackley, giáo viên trường ngoại ngữ ILA cho biết khi mới đến TPHCM, điều khiến ông ám ảnh nhất mỗi lần chạy xe máy là tiếng còi đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ ngoài đường. “Có lần tôi trông thấy một người dừng đèn đỏ vẫn bóp còi cho đến khi đèn chuyển thành xanh. Ở Mỹ và các nước phương Tây, rất hiếm khi nghe tiếng còi xe trên đường ngay cả trong lúc kẹt xe. Bóp còi xe được cho là rất thiếu tôn trọng người khác. Một số thành phố ở Mỹ xử phạt các lái xe bóp còi trong những trường hợp không thực sự cần thiết” - ông Robert Ackley nói.

Tại văn bản báo cáo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Vụ ATGT cho biết các quy định hiện nay đối với người tham gia giao thông sử dụng còi, thiết bị âm thanh không đúng quy định đã đảm bảo điều kiện để xử lý. Vụ ATGT kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia có ý kiến với Bộ Công an tăng cường xử lý hành vi này. Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm khi kiểm định phải xử lý nghiêm các phương tiện lắp thêm còi hơi hoặc âm lượng của còi lớn hơn mức cho phép.

Suy giảm thính lực, điếc vì tiếng ồn

Những người sống tại khu vực có mật độ xe cộ nhiều, hay phải tiếp xúc với tiếng ồn từ còi xe, máy nổ, âm thanh...thính lực kém hơn những người sống ở những nơi yên tĩnh. Đó là kết luận vừa được nhóm các bác sĩ BV Tai Mũi Họng TPHCM đưa ra sau khi khảo sát hơn 200 người sống ở khu vực chịu sự tác động mạnh của tiếng ồn ở TPHCM. Theo bác sĩ Hồng Hạnh- BV Tai Mũi Họng TPHCM, suy giảm thính lực, thậm chí bị điếc đột ngột gia tăng với những người tiếp xúc với âm thanh quá ngưỡng cho phép. “Với những người thường xuyên bị tiếng ồn hành hạ khi bị giảm thính lực thì không thể hồi phục lại được”- bác sĩ Hạnh cảnh báo. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, ngưỡng cho phép của tiếng ồn công nghiệp là 85 dB, ở nơi cư ngụ là 55 dB vào ban ngày và 45 dB vào ban đêm. Không chỉ gây điếc, tiếng còi xe, âm thanh quá lớn còn dễ gây stress, cho người đi đường, ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của con người trong giao thông. 

Lê Nguyễn

Xử phạt bấm còi bừa bãi ở các nước

Luật của nhiều nước quy định xử phạt hành vi sử dụng còi một cách liên tục hoặc gây ồn ào quá mức trong thành phố. Tại New York, lái xe có thể bị phạt 350USD vì vi phạm này. Một số nước quy định không được sử dụng còi hơi trong thành phố trừ trường hợp nguy hiểm.

Luật giao thông của Anh cấm bấm còi xe khi xe đang đứng im trên đường, khi xe chạy trong khu vực đông đúc từ 23h30 đến 7h. Những người vi phạm có thể bị phạt từ 30 – 1.000 bảng.

Luật giao thông Singapore cấm sử dụng còi xe hoàn toàn hoặc ở các khu vực cụ thể, tuyến đường cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định. Luật này cũng cho rằng còi hơi phát ra âm thanh to và đinh tai nhức óc, có thể khiến những người đang điều khiển phương tiện khác mất tập trung hoặc khó chịu. Vì thế, những chủ phương tiện tự ý thay đổi còi lắp đặt sẵn cho xe thành còi hơi có thể bị phạt tối đa 1.000 USD hoặc 3 tháng tù.

Bình Giang

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.