Lối thoát cho trẻ trong thế giới ảo

Phụ huynh cần có biện pháp quản lý thay vì cấm trẻ em tham gia mạng xã hội. Ảnh: Tuấn Anh
Phụ huynh cần có biện pháp quản lý thay vì cấm trẻ em tham gia mạng xã hội. Ảnh: Tuấn Anh
TP - Khi những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách cần môi trường sống lành mạnh thì các trang mạng xã hội như con dao hai lưỡi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết con mình đang tiếp xúc với những gì từ các trang mạng đó.

Lợi, hại khó lường

Trước đây, P.T.Linh (14 tuổi, học sinh lớp 8 một trường THCS ở quận Thủ Đức, TPHCM) học khá tốt và đều tất cả các môn, là con gái ngoan trong gia đình. Tuy nhiên, từ khi được gia đình sắm cho chiếc máy tính để bàn thì Linh bắt đầu có các biểu hiện giảm sút về học tập cũng như thường xuyên nói tục, nói ngang, nói từ lóng trước mặt người lớn.

Thấy con có những biểu hiện khác lạ, chị Tuyết (38 tuổi, mẹ của Linh) mới tìm hiểu thì phát hiện, thay vì học bài như trước, Linh dành nhiều thời gian sử dụng máy tính hơn, đặc biệt là vào các trang mạng xã hội. “Tôi theo dõi mấy ngày thấy cứ đến giờ học bài là Linh vào phòng đóng cửa, lên facebook chát chít với bạn. Hỏi thì nó nói đang trao đổi bài vở. Hôm sau, tôi mở máy tính kiểm tra thì thấy toàn những trang web lạ mà hình ảnh trên đó rất khó coi, trang facebook thì toàn tin nhắn yêu đương với người lạ. Sợ con quá sa đà vào thế giới ảo nên tôi cắt mạng luôn”.

Cũng như chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Lương (35 tuổi, ngụ quận 2) tá hỏa sau buổi họp phụ huynh và trở về nhà la mắng con trai vì gây lộn đánh nhau trên lớp chỉ vì những bình luận qua lại trên facebook.

Theo chị Lương, trong buổi họp phụ huynh tổng kết năm học, cô giáo nhắc đến một vụ ẩu đả giữa học sinh lớp của Tuấn (lớp 9, một trường trung học thuộc quận 2) và lớp bên cạnh khiến cả hai lớp bị trừ điểm thi đua, Tuấn bị kỷ luật hạ hạnh kiểm.

Nguyên nhân vụ ẩu đả là một bạn nữ trong lớp Tuấn đăng trên facebook than về các bạn trai lớp bên cạnh thường xuyên chọc ghẹo. Từ đó, các thành viên trong lớp Tuấn và lớp bên cạnh vào bình luận. Lời qua tiếng lại từ trang mạng, hai nhóm học sinh hẹn nhau “giải quyết” mâu thuẫn phía sau sân trường dẫn đến ẩu đả.

Bên cạnh những ảnh hưởng xấu, mạng xã hội cũng có những mặt tốt và nếu người dùng biết cách sử dụng và tận dụng thì nó sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc học tập, kết bạn.

Nguyễn Đan Anh (lớp 9, trường THCS Linh Trung, Thủ Đức) cho biết: “Em biết sử dụng máy tính vào mạng xã hội từ hồi còn học lớp 6. Gia đình em không cấm mà chỉ cho em cách sử dụng như thế nào để phục vụ việc học tập nên nó giúp ích cho việc học của em rất nhiều. Từ việc tìm kiếm tài liệu, chat với bạn bè trao đổi bài dễ dàng mà không sợ tốn tiền như dùng điện thoại.” Mặc dù sử dụng mạng xã hội từ khi còn nhỏ nhưng Đan Anh vẫn không để ảnh hưởng đến việc học.

Anh Nguyễn Minh Hùng (bố Đan Anh) cho biết: “Việc sử dụng internet sẽ có hiệu quả rất tốt nếu gia đình biết cách định hướng cho trẻ”.

Nên định hướng, quản lý con

Không thể cấm con mình sử dụng mạng internet cũng như các trang mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh tìm mọi cách để quản lý, theo dõi con mình đang làm gì và hoạt động trong thế giới ảo như thế nào.

Chị Trang ở TPHCM đã tạo cho con gái 11 tuổi của mình một tài khoản facebook để cho con giao lưu với bạn bè. Tuy nhiên, không để cho con tự mình làm mọi thứ với thế giới ảo, chị Trang lập một tài khoản khác kết bạn và âm thầm theo dõi các hoạt động của con gái mình trên facebook.

Lối thoát cho trẻ trong thế giới ảo ảnh 1

Không thể để trẻ “cô đơn” trên mạng. Ảnh: Bình Dũng

 “Để cho con chơi tự do với bạn bè nhưng mình phải có cách kiểm soát, theo dõi nếu bé có gì không đúng thì về nhà mình góp ý trực tiếp, riêng tư hai mẹ con hoặc trong gia đình chứ không làm bé phải ngại hay xấu hổ với bạn vì bị mẹ la mắng, theo dõi trên mạng xã hội”- chị Trang nói.

Còn anh NguyễnVăn Hậu (ngụ quận 12) thì cho rằng, phải quản lý con mình bằng phần mềm quản lý truy cập. Theo anh Hậu, ban đầu anh cũng làm như nhiều phụ huynh khác là quy định giờ chơi, lấy mật khẩu để kiểm tra nhưng sau đó bị con gái phản ứng bởi đây là trang cá nhân nên anh chuyển sang dùng phần mềm Norton Family, Family Safety, KuruPira webFilter… Với phần mềm này, anh Hậu có thể quản ý được số lần truy cập, ngăn chặn con anh dùng các dịch vụ chát, nhắn tin hoặc truy cập mạng xã hội độc hại, khiêu dâm...

Theo thạc sĩ Phan Văn Tú (Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), mạng xã hội cũng như cuộc sống thực ngoài đời, luôn tồn tại hai mặt của nó. Nếu người dùng biết chọn lọc, sử dụng một cách hợp lý thì nó sẽ đem lại những hiệu quả trong việc học tập cũng như làm việc.

Cũng theo ông Tú, cho trẻ tiếp xúc với mạng xã hội cũng là tạo một không gian rộng lớn để trẻ thể hiện bản thân và giúp trẻ nhận diện được các mặt tốt, xấu của thế giới ảo nếu phụ huynh biết cách định hướng.

“Trẻ sử dụng mạng xã hội để chat, trao đổi bài vở trong việc học tập, giao lưu bạn bè là một điều tốt, phụ huynh nên khuyến khích những việc này. Còn các em quá lạm dụng nó để phát ngôn, tranh cãi hay làm gì sai trái thì lúc này các bậc cha mẹ cần chấn chỉnh lập tức, thậm chí có hình thức xử phạt thích đáng để trẻ biết đúng sai”, ông Tú chia sẻ.

Cùng ý kiến, thạc sĩ Bùi Hồng Quân (cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TPHCM) cho rằng, việc cấm các em sử dụng là hoàn toàn không thể mà phải làm sao để các em sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Theo thạc sĩ Quân, sử dụng mạng xã hội mà đặc biệt là facebook hiện nay có hai mặt. Mặt lợi là giúp các em mở rộng mối quan hệ xã hội, là ngôi nhà để các em thể hiện cảm xúc, chia sẻ và nhìn nhận bản thân mình. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là nơi để các em thể hiện những vui buồn, là nơi giải tỏa những ức chế.

Tuy nhiên, mặc tiêu cực của việc sử dụng mạng xã hội cũng không hề nhỏ. Theo thạc sĩ Quân, nếu học sinh không có định lượng, không có thời gian sử dụng cụ thể mà lệ thuộc quá nhiều việc vào ngôi nhà tinh thần này sẽ dẫn đến không làm chủ được bản thân, vô tư thể hiện các giá trị ảo gây ra nhiều hệ lụy.

“Nhiều bạn trẻ nhầm tưởng rằng, facebook là ngôi nhà riêng, là ngôi nhà tinh thần nên cứ lên đó để thể hiện cái tôi của mình. Thương ai, giận ai, ghét ai các bạn cũng thể hiện trên đó, rồi những lời comment, những cái chia sẻ đến tai người này, mắt người kia khiến sự việc trở nên trầm trọng, lúc này, những giá trị ảo nhưng tác động thật đến cuộc sống”, thạc sĩ Quân ví dụ.

Thạc sĩ Phan Văn Tú cho rằng, việc cấm trẻ sử dụng mạng xã hội là không nên mà cũng không thể, vì hiện nay công nghệ đang là một phần của cuộc sống và mạng xã hội cũng vậy.

Cô N.T.L (giáo viên Trường THCS quận Bình Tân, TPHCM)) cho biết, ở lớp cô chủ nhiệm có trên 80% số em sử dụng facebook. Theo giáo viên, việc các em sử dụng facebook đã ảnh hưởng khá lớn đến học tập. Nhiều trường hợp các em rủ nhau trốn học để đi chơi, đến khi điều tra thì mới biết các em đã liên lạc với nhau trên facebook.

Cũng theo cô L., việc cấm trẻ sử dụng mạng xã hội là không thể vì đó một phần là quyền lợi cá nhân của các em, mặt khác, mạng xã hội cũng đem lại nhiều lợi ích cho việc học tập và giao lưu kết bạn. “Thay vì cấm đoán thì tôi nghĩ nhà trường, phụ huynh cần có sự tư vấn, kèm cặp và quản lý các em sử dụng mạng xã hội cho hợp lý” - Cô L. nói.

Nếu học sinh không có định lượng, không có thời gian sử dụng cụ thể mà lệ thuộc quá nhiều việc vào ngôi nhà tinh thần này sẽ dẫn đến không làm chủ được bản thân.

Th.S. Bùi Hồng Quân

MỚI - NÓNG