Lợn “né trạm” vào thành phố, phòng bệnh tả trong lo lắng

Lực lượng chức năng tại trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra xe lợn trước khi cho vào thành phố. (Ảnh chụp chiều ngày 1/3). Ảnh: Ngô Bình
Lực lượng chức năng tại trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra xe lợn trước khi cho vào thành phố. (Ảnh chụp chiều ngày 1/3). Ảnh: Ngô Bình
TP - Đến thời điểm này, tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam vẫn chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên khả năng mầm bệnh xâm nhập vào thành phố rất cao. Cơ quan chức năng TPHCM cấp tập lên kịch bản, căng mình chốt chặn tại các cửa ngõ đưa lợn về thành phố.

Xe chở lợn “né trạm”

Ngày 1/3, ghi nhận của PV Tiền Phong tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM), hàng chục xe tải chở lợn liên tục ra vào xuất trình giấy tờ kiểm dịch và được xịt thuốc khử trùng trước khi vào trung tâm thành phố. Đây được xem là trạm kiểm dịch quan trọng nhất để kiểm soát gia súc, gia cầm nhập vào TPHCM và quá cảnh đi các tỉnh miền Tây. Trạm kiểm dịch này nằm trên quốc lộ 1A, những năm trước nơi đây là cửa ngõ độc đạo để các xe tải lớn, xe khách vào TPHCM, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều xe tải chở lợn, phụ phẩm lợn không rõ nguồn gốc từ phía Bắc vào.

Tuy nhiên, sau khi đường cao tốc TPHCM - Long Thành -Dầu Giây và cầu Hoá An nối tỉnh Đồng Nai với Bình Dương được đưa vào sử dụng, các xe tải chở lợn từ phía Bắc vào không chạy qua trạm kiểm dịch mà tìm đường tránh “né” nên nhân viên thú y không thể kiểm soát. Ông Phạm Ngọc Chí, Trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá lợn ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam có sự chênh lệch nên lợn từ phía Bắc tràn vào rất nhiều. Dù biết hằng ngày có nhiều xe tải chở lợn có thể từ vùng có dịch bệnh vào TPHCM, đi miền Tây không vào trạm kiểm dịch nhưng không thể xử lý. Nguyên nhân là những xe này chạy qua cao tốc TPHCM-Long Thành -Dầu Giây hoặc chạy đường vòng để né trạm. “Theo nguyên tắc xe tải chở lợn chạy qua trạm mà không vào kiểm dịch thì mới bị xử lý. Còn xe chạy đường khác thì không ghé trạm cũng không vi phạm gì” - ông Chí nói.

Cán bộ Thú y cho biết, mỗi ngày có khoảng 50 xe tải chở lợn với số lượng hơn 3.500 con lợn sống từ Đồng Nai và các tỉnh lân cận quá cảnh Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức để làm thủ tục vào TPHCM, đi các tỉnh miền Tây. Trong số đó, có từ 2.000-2.400 con lợn được vận chuyển vào các lò mổ ở TPHCM, còn lại hơn 1.000 con lợn “quá cảnh” để đi các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… Ngoài ra, mỗi ngày còn có hơn 100 xe tải đông lạnh chở lợn thành phẩm vào trung tâm TPHCM.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, lực lượng thú y thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT), Quản lý Thị trường tuần tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật vào TPHCM.

Từ trước Tết đến nay chưa phát hiện lô lợn từ khu vực dịch bệnh hay heo không rõ nguồn gốc nào nhập vào TPHCM. Bên cạnh đó, mỗi khi nhận được tin báo có xe chở lợn né trạm, lực lượng liên ngành lập tức tổ chức chốt chặn để kiểm tra xử lý nhưng thường xuyên nhận tin giả.

Phòng bệnh trong lo lắng

Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), những đàn lợn do chính công ty quản lý sẽ được chăm sóc, kiểm tra và vệ sinh thường xuyên. Còn với những đàn lợn mà công ty bao tiêu, người nuôi cũng sẽ được phổ biến kiến thức và thông tin về dịch bệnh để phòng tránh và phát hiện. Đại diện Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam cũng cho biết: Tăng cường giám sát, cách ly các khu nhập lợn mới và lợn xuất chuồng để theo dõi sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập lợn; kết hợp chặt chẽ với thú y để giám sát lợn ở các hộ nuôi, đồng thời, kiểm dịch đúng quy định khi lợn xuất chuồng. Ngoài ra, các khu giết mổ cũng sẽ được giám sát chặt chẽ hơn và kiểm tra chi tiết. Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp đều tỏ ra lo lắng, bởi với cơ chế lây lan của loại dịch bệnh, mọi nguy cơ đều có thể thành hiện thực, nhất là khi TPHCM đang tiếp nhận nguồn lợn từ nhiều vùng, miền.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho hay, đã tổ chức các đội liên ngành để kết hợp các quận, huyện kiểm tra thịt lợn ở chợ lẻ, chợ đầu mối. Ngoài các phương pháp lấy mẫu, sẽ tăng cường truy ngược lại nguồn gốc thịt lợn bán tại chợ lẻ... Bà Lan, cho biết, giám sát lợn tại trại nuôi và lò mổ rất quan trọng. Nếu trường hợp để lợn bệnh lọt ra chợ lẻ, việc kiểm tra rất gian nan. Việc phát hiện virút bệnh này chủ yếu là thử huyết thanh, nếu lợn đã giết mổ thì việc kiểm nghiệm trở nên phức tạp. “Thịt lợn nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, ăn thịt lợn phải nấu chín...”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM nhấn mạnh rằng: “cần giám sát chặt chẽ các lò mổ, không để giết mổ trái phép diễn ra trên địa bàn thành phố. Vận động thương lái chọn nguồn lợn ở phía Nam, không nên chạy theo lợi nhuận khi lợn ở phía Bắc có giá rẻ hơn vào phía Nam tiêu thụ”.

Theo ông Trung, Sở NN&PTNT đang đề xuất với UBND TPHCM một số giải pháp linh hoạt phòng, chống dịch vì có thể những biện pháp hành chính không còn phù hợp, chẳng hạn như chính sách đền bù khi lợn mắc bệnh nhằm khuyến khích chủ trại khai báo khi lợn bị dịch, đặc biệt là về mức đền bù cho người nuôi khi lợn bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả châu Phi trên địa bàn. TPHCM yêu cầu thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch bệnh. Trong đó có không dấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.