Long An vẫn thực hiện thu giá BOT giao thông

TPO - Dù Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương không sử dụng cụm từ “thu giá” thay thế cho việc “thu phí” nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho biết trước mắt vẫn tiếp tục thực hiện hình thức thu giá BOT cho dự án ĐT 830 và ĐT 824 vì chưa có hướng dẫn của Bộ GTVT.

Sáng 7/6, UBND tỉnh Long An đã tổ chức họp báo thông tin về dự án đầu tư xây dựng đường ĐT 830 và ĐT 824 (từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa) theo hình thức hợp đồng BOT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, trả lời Tiền Phong, ông Phạm Văn Cường, giám đốc công ty Băng Dương, đại diện chủ đầu tư dự án khẳng định luôn chấp hành các quy định của nhà nước. Và, nhà đầu tư có nghe Quốc hội, Chính phủ bàn không được sử dụng tên gọi và hình thức thu giá, phải thực hiện thu phí BOT giao thông.

Long An vẫn thực hiện thu giá BOT giao thông ảnh 1 Ông Phạm Văn Cường, giám đốc công ty Băng Dương (đại diện chủ đầu tư) khẳng định tiếp tục thực hiện thu giá BOT cho đến khi có hướng dẫn 

“Khi nào nhà nước có quy định chính thức thì chủ đầu tư sẽ thực hiện. Trước mắt, chủ đầu tư vẫn thực hiện việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ”, ông Cường cho hay.

Ông Cường cho hay đã đề nghị UBND tỉnh cho thực hiện việc thu giá BOT dự án ĐT 830 và ĐT 824 vào trung tuần tháng 6.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho rằng việc thu giá sử dụng dịch vụ BOT giao thông là thực hiện theo Luật giá năm 2015.

Ông Cảnh cho hay trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo không sử dụng cụm từ thu giá và yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu thay đổi.

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ đạo đổi thu giá BOT lại thành thu phí BOT.

“Sau khi có các ý kiến chỉ đạo đó. Tỉnh Long An đã nghiên cứu hết các văn bản. Các nghị định, thông tư hiện nay đều có quy định về thu giá. Nghị định (NĐ) 50, nay đổi thành NĐ 15 quy định về thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ. Thông tư số 39 của Bộ GTVT cũng đề cập thu giá… nên tỉnh thống nhất với nhà đầu tư. ”, ông Cảnh cho hay

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết đã liên hệ và Tổng cục Đường bộ cho biết đang soạn thảo dự thảo văn bản hướng dẫn. Vỉ vậy, chủ đầu tư chưa dám đổi trạm thu giá BOT thành trạm thu phí BOT vì nếu sửa sẽ trái với các quy định đang có hiệu lực thi hành.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, Dự án ĐT 830 và ĐT 824 (đoạn từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa là một trong ba dự án trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X.

Long An vẫn thực hiện thu giá BOT giao thông ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết thống nhất với phương án thu giá BOT của nhà đầu tư

Đoạn từ thị trấn đức hòa đi Bến Lức là trục giao thông huyết mạch cho phát triển kinh tế xã hội khu vực giáp TPHCM, nối liền khu vực phát triển công nghiệp năng động với QL1A và khu cảng Long An, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh  giai đoạn 2016 – 2020.

Dự án thực hiện bằng hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Nhà đầu tư là liên danh Băng Dương – Bamboo Capital.

Dự án được khởi công từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2018 công trình được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư (kể cả lãi vay) khoảng 1.079 tỷ đồng.

Chiều dài toàn tuyến gần 24 km, điểm đầu tuyến tại cầu An Thạnh và điểm cuối tuyến tại Ngã ba giao với ĐT 825 (trước công viên Võ Văn Tần). Mặt đường rộng 15 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h.

Mức thu giá khởi điểm do nhà đầu tư đề xuất đã được UBND tỉnh chấp thuận. Cụ thể: Đối với vé lượt thấp nhất 25.000 đồng/vé, cao nhất 165.000 đồng/vé. Đối với vé tháng, mức thấp nhất 750.000 đồng/vé, cao nhất 13.365.000 đồng/vé.

Long An vẫn thực hiện thu giá BOT giao thông ảnh 3 Trạm thu giá BOT Bến Lức sẽ thu từ trung tuần tháng 6/2018 với giá vé lượt thấp nhất là 25.000 đồng/vé, cao nhất 165.000 đồng/vé

Để phù hợp với điều kiện thực tế của dự án nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp, ngoài các đối tượng được miễn giảm theo quy định, chủ đầu tư dự án bổ sung thêm các đối tượng miễn giảm thuộc các xã An Thạnh, Lương Hòa, Lương Bình, Tân Hòa thuộc huyện Bến Lức và xã Hựu Thành thuộc huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Các phương tiện của chủ sở hữu có trụ sở chính nằm trong phạm vi hai trạm thu giá nếu mua vé tháng và vé quý sẽ được giảm 20% so với giá đề xuất (vé tháng thấp nhất 600.000 đồng/vé; cao nhất 3.960.000 đồng/vé; vé quý thấp nhất 1.620.000 đồng/vé, cao nhất 10.692.000 đồng/vé).

Giá vé dành cho các phương tiện vận tải công cộng, xe buýt là 25.000 đồng/vé (vé tháng 375.000 đồng/vé và vé quý 1.012.000 đồng/vé). Phương tiện từ 30 ghế trở xuống không kinh doanh và có hộ khẩu thuộc các xã nằm trong phạm vi hai trạm thu giá (trạm bến Lức và trạm Đức Hòa) sẽ được miễn phí.

Thời gian thu phí dự kiến là 19 năm, thời gian thu giá cụ thể sẽ được tính toán sau khi quyết toán dự án kết hợp với việc xác định lưu lượng xe.

Ông Phạm Văn Cường cho hay sau khi thực hiện thu giá dịch vụ, mọi tai nạn giao thông xảy ra dọc đường sẽ được cứu hộ cứu nạn miễn phí.

Sau khi tuyến đường được đầu tư đưa vào khai thác, giá đất trong khu vực đã tăng gấp 6-7 lần. cụ thể: giá đất trước khi làm đường là 800 triệu đồng/ha, hiện nay được rao bán với giá 5 -6 tỷ đồng/ha.

“Nếu người dân phản ứng, nhà đầu tư sẵn sàng xả trạm để đối thoại với người dân nhằm tạo sự đồng thuận”, ông Cường cho hay

MỚI - NÓNG