Lòng hồ tích nước, lòng dân chưa yên

Chỗ ở mới của bà K’Quý sắp ngập nữa, bà chưa biết đi đâu
Chỗ ở mới của bà K’Quý sắp ngập nữa, bà chưa biết đi đâu
TP - Hồ thủy điện An Khê-Ka Nak (Gia Lai) và Thủy điện Đồng Nai 3 (Đăk Nông, Lâm Đồng) đã tích nước nhưng nhiều vấn đề liên quan đến định canh, đền bù cho người dân trong khu vực lòng hồ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn.

 >> Kiến nghị đơn vị xả lũ hỗ trợ thiệt hại cho dân
 >> Thủy điện 'đua' xả lũ, vạn người dân 'sấp ngửa' bơi

Chỗ ở mới của bà K’Quý sắp ngập nữa, bà chưa biết đi đâu
Dân xã Đăk Plao lên núi dựng nhà ở tạm.

Tỉnh Gia Lai đề nghị dừng công trình nếu…

Việc xây dựng Thủy điện An Khê - KaNak khiến 1.100 hộ dân của huyện Kbang và thị xã An Khê bị mất trên 3.500 ha đất các loại, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, ao, vườn chiếm hơn 2.500 ha.

Thủy điện An Khê -Ka Nak được khởi công năm 2005 nhưng đến năm 2007 EVN mới tiến hành khảo sát chi trả bồi thường. Ngày 13-9-2010, lòng hồ tích nước, nhiều đất đai của dân bị ngập dưới lòng hồ nhưng người dân vẫn chưa được bồi thường và hỗ trợ sau bồi thường.

Đến nay số tiền hỗ trợ, bồi thường cho dân đã được phê duyệt mới chỉ đạt trên 300 tỷ đồng, chỉ khoảng 1/3 tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ. Sự chậm trễ tồn tại dai dẳng, hiện có 140 hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ trên 23 tỷ đồng.

Người dân 5 làng của các xã Đăk Sơmar, Lơ Ku và làng Groi (thị trấn Kbang) với 365 hộ, 1.825 khẩu đang cần hỗ trợ cứu đói do đất bị ngập hoặc không có đường vào khu canh tác. Trước mắt, huyện Kbang đề nghị cứu đói cho dân ba tháng 10, 11, 12 năm nay với định suất 10kg gạo/tháng/khẩu nhưng vẫn chưa nhận được sự trả lời của EVN.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang - ông Tô Văn Phán cho biết: Quá trình lập dự án cho đến khi đền bù, hỗ trợ kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Bộ phận chức năng vẫn chưa kiểm kê bồi thường 65 ha đất rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Ka Nak chuyển giao bồi thường đất sản xuất cho dân. 130 ha đất bán ngập của người dân thị trấn Kbang vẫn chưa xem xét bồi thường.

Ngày 9-11, UBND tỉnh Gia Lai đã chủ trì buổi làm việc với EVN, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng việc EVN đề nghị giảm mức hỗ trợ cho các hộ dân bị mất đất theo QĐ số 56/2009 của UBND tỉnh Gia Lai từ 5 lần xuống còn 1,5 đến 2,5 lần là thiếu cơ sở pháp lý.

Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - Phạm Đình Thu nói: Chúng tôi tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư cũng phải quan tâm dân trong vùng dự án. Phải giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân trước. Nếu không làm được điều này, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng công trình…

Thủy điện Đồng Nai 3: Hồ tích nước, dân lên non ở tạm

Chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù tái định cư, ngày 17-9, thủy điện Đồng Nai 3 nằm giữa 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng đã tích nước gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Sau khi lòng hồ tích nước, bà K’Quý, thôn 5, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng dắt 2 con bò cùng mấy con vịt chạy lên cao để ở. Không con cái, hai vợ chồng tuổi thất thập sống tạm trong một cái chòi bỏ hoang cũng sắp bị ngập. Gặp chúng tôi bà than thở: “Biết đi đâu bây giờ? Nhà cũ ngập rồi, tiền chưa được nhận lấy gì dựng nhà đây ?”

Ông Hoàng Văn Vinh ở thôn 1, xã Đăk Plao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông thì cho biết: “Nhà của tôi làm năm 2005, trước đây Ban đền bù áp giá 45 triệu đồng. Tôi không đồng ý. Mới đây, ngày 28-9, họ đưa cho tôi một bảng giá khác, hơn 200 m2 đất thổ cư cùng nhà cửa hoa màu và đất sản xuất… chỉ đền có… 55 ngàn đồng”.

Sau nhiều lần khiếu nại, diện tích đất của bà H’Binh, xã Đăk Blao đã tăng từ 5 ha lên 7 ha. Thế nhưng số tiền đền bù lại bị giảm từ 2,3 tỷ xuống còn có 1,2 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân khác tại xã Đăk Plao phản ánh, trong hai ngày 18 và 19 tháng 10, Ban đền bù giải phóng mặt bằng thông báo cho dân đến nhận tiền. Nhưng dân đến đợi cả ngày vẫn không thấy ai đến trả tiền. Chủ tịch UBND xã Đăk Plao, ông K’Nga xác nhận những điều dân phản ánh là đúng!

Tại xã Đăk Plao, đến thời điểm hiện tại, nước đã ngập hết xã, 53 hộ dân leo lên khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng lập làng tạm trú… Hàng chục hộ dân đã di dời về khu tái định cư nhưng không có việc làm cũng quay lại núi Tà Đùng để tìm kế sinh nhai.

Còn tại Lâm Đồng, ngày 28-10, báo cáo về công tác đền bù giải phóng mặt bằng trên thủy điện Đồng Nai 3 với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Viết Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh có 111/295 hộ chưa được chi trả tiền đền bù. Hơn 172 hộ khác với hơn 170 ha đất chưa được thống kê đo đạc.

Trong khi đó, nhiều diện tích đã bị ngập trong nước. Về tái định cư, 8 ngôi nhà đã được xây nhưng phải chờ xét duyệt mới cho dân vào ở. Về đất sản xuất, dự kiến mỗi hộ dân sẽ được cấp 1,2 ha. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư chỉ mới thực hiện xong bước tận thu lâm sản. Nếu nhanh, 4 tháng nữa dân mới được chia đất.

Ông K’Drim- Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng- cho biết, việc kiểm kê đo đạc đất đai, tài sản của người dân không minh bạch, chính xác. Ngày 17-9, thủy điện tích nước làm ngập nhà dân. Hàng trăm gia súc, gia cầm không kịp di dời phải chạy lên núi. Một diện tích lớn đất đai không bị ngập nhưng bị chia cắt do nhà máy thủy điện tích nước khiến dân đi lại để thu hoạch, chăm sóc hoa màu khó khăn và rất nguy hiểm…

Tới nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa có kết quả, dân lo lắng chưa biết đến ngày nào mới được an cư.

Ngày 28-10, tiếc đám mì sắp ngập dưới lòng hồ, anh Nguyễn Văn Minh ở thôn 6, xã Tân Lâm, huyện Di Linh và cậu ruột là ông Trần Văn Thắng ở thôn Đông La, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm mạo hiểm chèo xuồng ra thu hoạch. Do đi lại khó khăn, họ cố nhổ cho xong nên về rất khuya. Hơn 9 giờ đêm, khi thuyền của họ đang lênh đênh giữa dòng nước mênh mông, gió ập đến làm lật thuyền, hai người đã nằm lại dưới lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3. 
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.