'Lót tay' vẫn được coi là 'đồng tiền khôn' trong khu vực công

TPO - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 vừa được công bố cho thấy, tỷ lệ người dân phải đưa lót tay khi xin việc làm trong khu vực công vẫn cao và mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Sáng 4/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và UNDP đã công bố chỉ số PAPI 2017. Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, PAPI 2017 có xu thế đảo chiều ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công theo hướng khá hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013.

“Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012”, ông Kamal Malhotra nói.

'Lót tay' vẫn được coi là 'đồng tiền khôn' trong khu vực công ảnh 1 Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giai đoạn 2011- 2017

Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI 2017 cho thấy sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm năm 2017. Tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017, và tỷ  lệ người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/quận giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.

Tuy nhiên kết quả khảo sát cũng cảnh báo về mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu, tăng 2 triệu so với mức tiền trung bình 25,6 triệu,

“Nhìn chung, mặc dù người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 tốt hơn vài năm trước, song mức độ hài lòng chưa đạt mức của năm 2012. Nhưng, ‘lót tay’, ‘chi phí ngoài quy định’ vẫn là “đồng tiền khôn” trong khu vực công”, báo cáo nhận định.

'Lót tay' vẫn được coi là 'đồng tiền khôn' trong khu vực công ảnh 2 Kết quả khảo sát về tầm quan trọng của "thân quen" khi thi tuyển vào khu vực công

Đáng lưu ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ người dân cho rằng phải đưa lót tay khi xin việc làm trong khu vực công vẫn cao. Quyết tâm của chính quyền tỉnh/thành phố trong xử lý vụ việc tham nhũng ở địa phương  không mấy biến chuyển.

“Cảm nhận của người dân rằng tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm có thể là do tác động của truyền thông đại chúng về các vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra ánh sách ở cấp trung ương hơn là từ nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là khía cạnh cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới”, báo cáo phân tích.

MỚI - NÓNG