Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung-Tây Nguyên

Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung-Tây Nguyên
TPO - Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 30/9, bão số 9 đã làm 38 người chết, 10 người mất tích, 81 người bị thương. Ngay sau bão, lũ lớn đã xuất hiện trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên.

38 người chết, 10 người mất tích vì bão số 9

Trong số 38 người thiệt mạng do bão, Kon Tum là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 13 người thiệt mạng.

Các địa phương có số người thiệt mạng nhiều khác là Quảng Ngãi (7 người), Thừa Thiên Huế (4 người), Đà Nẵng (3 người), Quảng Nam (5 người), Bình Định (4 người), Phú Yên (1 người), Lâm Đồng (1 người). 81 người khác cũng bị thương do ảnh hưởng của bão số 9.

Bão cũng làm 116 tàu thuyền bị chìm, lật tại các cửa sông, ven bờ và trong các khu trú tránh.

Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương cho thấy bão làm sập, trôi 5.796 ngôi nhà tại 11 địa phương và làm hư hỏng, ngập gần 300.000 nhà khác. Diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị thiệt hại do bão cũng lên tới hàng chục nghìn ha, nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông, điển hình như đèo Lò Xo trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sạt lở vì lũ dữ, thiệt hại gia tăng 

Tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đêm 29/9, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đã có mưa to đến rất to kéo theo lũ đặc biệt lớn trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua phổ biến từ 100 – 150mm, có nơi trên 150mm như Gia Vòng: 195mm, Khe Sanh 168mm, Đông Hà: 194mm, Thạch Hãn 249mm.

Đến sáng nay, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và hạ lưu sông Thu Bồn, sông Đà Rằng đang lên; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc đang xuống, nhưng còn ở mức rất cao.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo các địa phương cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc.

Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung-Tây Nguyên ảnh 1
Lực lượng cứu hộ cứu người bị cô lập trong lũ

Theo phóng viên Tiền Phong tại miền Trung, tính đến sáng nay, 30/9, mưa lớn kéo dài đặc biệt từ thượng nguồn đổ về trên lưu vực các sông đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông. Điển hình như đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh; QL17 đoạn Km110 – Km233 sạt lở taluy dương 19 vị trí; QL45 sạt lở taluy âm 4 vị trí sâu vào mặt đường 1 – 2m, sạt taluy dương tại 30 vị trí; đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) sạt taluy dương tại 18 vị trí, đoạn Km15 – Km17 ngập sâu 0,7m; tuyến Vũng Áng - Đồng Lê – Xóm Sung – nút giao thông đường Hồ Chí Minh sạt tatuy dương tại 46 vị trí; QL15 nhiều đoạn tràn, cầu bị ngập sâu từ 1,5 – 6m; QL48 có 12 điểm ngập sâu 0,2-3,5m; một số vị trí sạt taluy âm và xuất hiện vết nứt trên mặt đường…

Mặc dù đường dây 500kV Đà Nẵng – Hà Tĩnh (hai mạch) và Di Linh – Tân Định đã được khôi phục trong ngày 29/9 nhưng trên lưới điện 220kV, đường dây Hoà Khánh - Huế và Leiku – Quy Nhơn bị sự cố và cô lập từ hôm qua vẫn chưa được khắc phục. Hiện cũng đang có sự cố trên lưới điện 110kV trên các tuyến đường dây Đà Nẵng – Hoà Khánh, Đà Nẵng – Liên Trì - quận Ba – An Đồn, Hoà Khánh - Hải Vân – Liên Chiểu – Lăng Cô, Dốc Sỏi - cảng Dung Quất, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi, Quy Nhơn – Sông Cầu, Đồn Phó – An Khê và Hoài Nhơn – Phù Mỹ; mất điện hoàn toàn tại các trạm 110kV cảng Dung Quất, Tịnh Phong, Cầu Hai, An Khê, Kỳ Hà.

Lưới điện phân phối cũng bị sự cố làm nhiều khu vực mất điện như huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Minh (Quảng Bình); Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị); Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thuỷ, Nam Đông, A Lưới (TT-Huế); toàn bộ tỉnh Quảng Nam, Bình Định và gần như toàn tỉnh Quảng Ngãi… Tuyến cáp quang cũng bị đứt tại nhiều vị trí.

Hòa Vang - Đà Nẵng ngập trong lũ

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11/11 xã trong huyện Hòa Vang - Đà Nẵng bị ngập trong lũ, trong đó có 64 thôn cùng với gần 5.400 căn nhà chìm trong nước, một người mất tích, ba người bị thương nặng.

Theo ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang: thiệt hại sau cơn bão số 9 tiếp tục gia tăng nhanh với trận lũ đang dâng cao hiện nay. Thống kê ban đầu, toàn huyện đã có 91 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 873 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn cùng gần 1.200 căn nhà của các hộ dân bị ảnh hưởng, siêu vẹo. Lũ kéo về đôt ngột khiến các ngành chức năng khó triển khai biện pháp cứu hộ, cứu trợ.

Trước mắt, huyện đang tăng cường công tác vận động, huy động bà con vào nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện trực 24/24 và tiến hành cứu hộ kịp thời để hạn chế các thiệt hại đến mức có thể.

Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung-Tây Nguyên ảnh 2
Nước ngập lên tận mái nhà, người dân phải di chuyển bằng thuyền

Ông Phùng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (Hòa Vang) cho biết: nước lũ lên nhanh, từ đêm qua đến sáng nay đã có 7/8 thôn của xã hoàn toàn bị ngập trong lũ dữ. Đáng kể, một người đã mất tích do nước lũ cuốn trôi là ông Văn Khánh (1968, thôn Tây An, Hòa Châu).

Nước lũ cũng cuốn trôi nhiều tài sản của người dân xã Hòa Châu. Bà Lê Thị Kiếm (thôn Tây An) xót xa: Không ngờ nước lên nhanh quá, chỉ có vài tiếng mà nó đã “nuốt” cả căn nhà rồi. Tài sản, các đồ gia dụng coi như hỏng hết. Đàn lợn gồm 10 con chuẩn bị đến ngày xuất chuồng của bà cũng theo dòng nước cuốn trôi.

QL 1A bị chia cắt, hàng trăm xe ách tắc

Một đoạn dài QL1A, đoạn qua địa phận xã Hòa Châu bị chia cắt hoàn toàn vì nước xối xả chảy qua gây ngập đến 0,5m. Anh Nguyễn Văn Linh, chủ xe 81L - 1486 chạy tuyến lên Gia Lai, Đăclăk cho biết đã đi qua suốt các tỉnh miền Trung trong đêm qua đến sáng nay, nhiều nơi bị ngập úng nhưng ngập nặng như đoạn này thì chưa có. Hàng chục hành khách bị ứ lại, hành khách phải tự tìm chỗ ăn uống, vệ sinh.

Lũ dữ tiếp tục tấn công miền Trung-Tây Nguyên ảnh 3
QL1A bị chia cắt vì nước lũ đoạn qua xã Hòa Châu - Hòa Vang

Tại đường tránh Túy Loan, hàng chục xe khách, ô tô tải cũng nối đuôi nhau ách tắc. Trung tá Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng trạm CSGT Kim Liên (Phòng CSGT, Công An Đà Nẵng) làm nhiệm vụ phân luồng tại đây cho biết: Chúng tôi đã huy động cán bộ chiến sĩ bố trí chốt chặn ngăn không cho các xe lưu thông vì ngập lớn ở khu vực Cầu Đỏ ngay từ sáng sớm ngày 30/9 đồng thời, tìm biện pháp tạo điều kiện cho hành khách, nhà xe sinh hoạt, ăn uống thuận tiện, không gây mất vệ sinh, trật tự.

Tăng cường cứu hộ dân vùng ngập lụt, cô lập

Sáng nay 30/9, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 cho biết: thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn các hộ dân đang bị chia cắt, cô lập ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), Băkbla (Kon Tum), các lực lượng chức năng đã điều động tiến hành cứu hộ ngay trong đêm mưa lũ.

Các lực lượng cứu hộ đã đã tổ chức cứu nạn 15 người dân bị cô lập ở Quảng Ngãi và hiện đang tiếp tục. Ngoài ra, trong ngày 29/9, đã tổ chức cứu hộ cứu nạn 7 tàu vận tải, 1 tàu hút cát, 1 xà lan và 4 tàu đánh cá. Tuy nhiên do sóng lớn, lực lượng cứu hộ chỉ tập trung chủ yếu cứu người, đến nay thuyền viên trên các phương tiện này đều đã an toàn.

Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo PCLB TƯ Nguyễn Xuân Diệu: để hạn chế thiệt hại do bão lũ và sớm ổn định đời sống nhân dân, Ban chỉ đạo tiền phương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, tiếp cận ứng cứu các khu vực dân cư bị cô lập, di dời dân trong các vùng ngập lũ, sạt lở nguy hiểm… Khẩn trương dựng lại các công trình hạ tầng công cộng như điện lực, giao thông, cung cấp lương thực, nước uống, vệ sinh môi trường…

Trước đó, trong cuộc họp khẩn với các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng vào 20 giờ tối 29/9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: trong trường hợp các hộ bị cô lập, chia cắt nặng, ngành chức năng sẽ tiến hành điều trực thăng tiến hành cứu hộ kịp thời.

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường lực lượng quân đoàn 3 tiến hành ứng cứu các hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 9 làm chia cắt nhiều vùng tại các huyện Kontum; các địa phương cảnh giác đề phòng tình trạng lũ quét sau bão, Bộ Y tế kịp thời kiểm tra các vùng ngập sâu, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, nước sạch thuốc chữa bệnh, không để người chết vì thiếu lương thực, nước sạch; tập trung hồi phục mạng lưới điện, đặc biệt là hệ thống điện tại nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) để đảm bảo cho nhà máy hoạt động ngay trong ngày hôm nay (30/9)...

Đồng thời, yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát giao thông và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm qua suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngừng mọi hoạt động của các bến đò và nghiêm cấm việc đi vớt củi khi có lũ.

MỚI - NÓNG