Lũ lớn lại làm nhiều người chết, nhà chìm

Lũ lớn lại làm nhiều người chết, nhà chìm
TPO - Từ ngày 13 đến ngày 18 - 11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Có thêm nhiều địa phương lại chìm trong biển nước, 5 người chết và trên 90.000 nhà bị lũ nhấn chìm.

Lượng mưa lớn cộng với nước từ đầu nguồn đổ về khiến cho mực nước các sông trong tỉnh dâng cao, 2 hồ chứa nước lớn trong tỉnh là hồ Núi Một và hồ Định Bình đã qua tràn, buộc ngành chức năng của tỉnh phải xả điều tiết nước trên 1.000 m3/s để bảo vệ hồ. 14 hồ chứa nước khác do các địa phương quản lý có nguy cơ bị vỡ.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “Mưa dồn dập nhiều ngày khiến lưu lượng nước ở các hồ thủy lợi tăng vọt, xấp xỉ hết mức chịu đựng nên ngày hôm qua và hôm nay chúng tôi phải điều tiết xả lũ các hồ có trữ lượng nước vượt cấp như hồ Định Bình (từ 1000 – 1.500m3s), hồ Hội Sơn … để đảm bảo an toàn hồ chứa cũng như an toàn tính mạng cho hàng vạn người dân vùng hạ du”.

Khoảng hơn 7.000 nhà dân Các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước và gần 3.000 hộ dân các xã Cát Nhơn, Cát Tiên, Cát Chánh, Cát Thắng của huyện Phù Cát mới bị lũ tàn phá nay tiếp tục bị ngập chìm trong lũ.

Người dân liều mình chặn cá giữa dòng xã lũ
Người dân liều mình chặn cá giữa dòng xã lũ. Ảnh: VH
 

Tính đến chiều 18.11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có thêm 5 người chết do mưa lũ. Đó là các nạn nhân: Dương Thị Diễm (17 tuổi) ở thôn Thạnh Danh, Nhơn Hậu (H. An Nhơn); Nguyễn Văn Phụng (34 tuổi) ở thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây (H. Hoài Ân); Đặng Văn Huân (29 tuổi) ở thôn Vạn Hội I, xã Ân Tín (H. Hoài Ân) và ông Huỳnh Tự (60 tuổi) ở thôn Linh Chiểu, xã Ân Phong (H. Hoài Ân). Ông Nguyễn Đông, 49 tuổi trú tại thôn Ca Nông, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn).

Mênh mông biển nước
Mênh mông biển nước. Ảnh: VH
 

Như vậy, từ đầu mùa lũ (đầu tháng 11.2010) đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có tổng cộng 13 người thiệt mạng vì mưa lũ. Mặc dù cả 3 đợt lũ chồng lên nhau trong thời gian nửa tháng nhưng hầu như người dân ở các vùng hạ du, vùng bờ sông, núi vẫn chưa hết đề phòng tình trạng lũ quét, lũ tháo dẫn đến những trường hợp bị chết một cách không đáng chết.

Chị Nguyễn Thị Hai, trú Ân Tường Tây (Hoài Ân) kể lại: “Hôm qua nước lũ dâng lên chóng mặt khiến chúng tôi trở tay không kịp, có những nhà cha mẹ mới bế con đi gửi quay về nhà lượm đồ thì lũ ập vào nhà làm họ chới với kêu cứu; có người thì liều mình chèo sõng ra sông vớt củi nên bị lũ cuốn trôi, và rất nhiều người đi đường cố tình vượt lũ để rồi bị sẩy chân trôi theo dòng lũ”.

Mực nước tại các con sông lớn tiếp tục dâng cao. Riêng sông Kôn tại Thạnh Hòa đo được 8,2m trên báo động 3 là 0,2m, sông Lại Giang tại Bồng Sơn 8,3m…

Do mưa lũ lớn và đổ về rất nhanh, tại huyện Hoài Ân đã có trên 1.600 ngôi nhà tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Hữu và Ân Nghĩa bị ngập sâu từ 1,5-2 m, trong đó đã có 3 nhà bị sập hoàn toàn.

Ngay sau khi lũ về, lãnh đạo huyện Hoài Ân đã kịp thời tổ chức di dời được 50 hộ ở các xã Ân Mỹ và Ân Tín bị ngập sâu nhất đến nơi an toàn. Huyện đã tổ chức viếng thăm và hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 4,5 triệu đồng, cùng với một số nhu yếu phẩm cần thiết khác. Đồng thời tổ chức cứu trợ mì tôm và nước uống khẩn cấp cho các gia đình không thể nấu ăn được do nước lũ còn bị ngập sâu.

Tại huyện Hoài Nhơn, nước lũ đã làm ngập 30 khu dân cư và đường đi từ trung tâm huyện đến các xã Hoài Mỹ, Hoài Xuân và Hoài Sơn bị cô lập hoàn toàn chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ khiến dân tình hoảng loạn. Hiện lãnh đạo tỉnh và các huyện đang triển khai "4 phương án tại chỗ" để giúp nhân dân địa phương và chuẩn bị lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

Tìm đường vào nhà dân
Tìm đường vào nhà dân. Ảnh: VH
Trẻ em đùa với lũ
Trẻ em đùa với lũ. Ảnh: VH
 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, nước sông trên địa bàn tỉnh vẫn còn dao động ở mức cao, sau đó xuống chậm và đợt mưa lũ này còn kéo dài tiếp từ 2 đến 3 ngày tới.

Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục lũ lụt tại TT - Huế

Chiều 18-11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã về kiểm tra, chỉ đạo khắc phục lũ lụt tại tỉnh TT- Huế.

Kiểm tra tình hình vận hành hồ thuỷ điện Bình Điền, đánh giá thuỷ điện đã xả lũ đúng quy trình, góp phần giảm lũ lụt cho hạ du, Phó Thủ tướng lưu ý ban điều hành nhà máy trước mùa mưa lũ cần báo cáo chế độ tích nước, quan trắc, cử người ứng trực 24/24 giờ nhằm nắm bắt thông tin và kịp thời thực hiện báo cáo quy trình xả lũ bảo đảm tính khoa học và chính xác, phải tuyên truyền rộng rãi cho dân biết để tránh gây hiểu nhầm và hoang mang.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh TT- Huế, trong đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh có 11.336 ngôi nhà bị ngập; 7 người chết, 2 người mất tích và 1 người bị thương; hơn 451 ha rau màu, 22 ha ao nuôi cá nước ngọt bị ngập...

Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 30 tỷ đồng khắc phục thiệt hại về hạ tầng và xây dựng các khu tái định cư phòng chống lũ quét và sạt lở đất, hỗ trợ giống rau màu các loại, áo phao theo đề xuất của tỉnh.

MỚI - NÓNG