Lúa chết bất thường gần khu công nghiệp

Lúa thối rễ và chết quanh Nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu.
Lúa thối rễ và chết quanh Nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu.
TP - Hơn 15,5 ha lúa ở thôn Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang đang non xanh mơn mởn bỗng chết rũ hoặc còi cọc khiến năng suất sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người dân cho rằng, lúa chết do ảnh hưởng từ Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu song các ngành chức năng huyện Việt Yên vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác.

Từng có tiền lệ    

Hiện tượng cây lúa chết, sinh trưởng kém chung quanh Nhà máy xử lý nước thải của KCN Quang Châu được người dân phản ánh lên các cấp chính quyền vào trung tuần tháng 3, sau thời điểm diễn ra hai trận mưa rào trái vụ. Ngày 28/3, đại diện các ngành chức năng huyện Việt Yên cùng đại diện Cty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang (đơn vị vận hành, quản lý nhà máy xử lý nước thải) đã có buổi kiểm tra thực tế diện tích lúa bị ảnh hưởng.

Qua kiểm tra ghi nhận, một phần diện tích lúa giáp với hàng rào nhà máy bị chết. Diện tích còn lại, lúa không phát triển được, rễ đen, lá vàng và táp lá, phần nước nổi trên bề mặt các ruộng có màu đen và nổi váng, bùn đất trong ruộng có mùi hôi khó chịu. Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng là hơn 15,5 ha.

Tại khu vực Nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu đoàn kiểm tra ghi nhận thấy nhà máy này đang trong quá trình cải tạo hồ điều hòa, múc đất đắp cao hơn mặt ruộng và có đường rãnh thoát nước mưa chảy tràn trên bề mặt khu vực hồ điều hòa ra cánh đồng đang canh tác.

Theo phán đoán của nhiều người dân Quang Châu, khi Nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu cải tạo hồ điều hòa đã tiến hành đào, đắp đất với khối lượng lớn. Đất đào lên bị nhiễm phèn rất nặng, khi gặp mưa rào, bề mặt đất bị rửa trôi chảy xuống cánh đồng đã gây thiệt hại cho cây lúa. Việc này đã từng diễn ra vào vụ lúa năm 2014, khi đó các ngành chức năng cũng không tìm ra nguyên nhân cụ thể nhưng Cty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang đã hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho 15 ha lúa bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trong lần này, ông Bùi Quốc Chiến, Giám đốc kỹ thuật xây dựng, Cty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang cho biết, Cty vận hành Nhà máy xử lý nước thải đúng quy trình kỹ thuật, việc cây lúa bị thiệt hại có thể do nhiều yếu tố khác nhau, việc xác định nguyên nhân thuộc về các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Đề nghị tạm ứng kinh phí hỗ trợ nông dân

Để tiếp tục tìm ra nguyên nhân khiến lúa chết, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên đã tiến hành lấy mẫu đất, nước để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất cho thấy có nhiều chỉ số chất hữu cơ tồn tại trong ruộng lúa vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận nguyên nhân chính xác gây thiệt hại cho cây lúa. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên cho biết, các chất hữu cơ vượt ngưỡng cho phép khiến cho đất có mùi hôi, nước có váng. Tuy nhiên vẫn chưa thể tìm ra nguồn gốc làm tăng nồng độ các chất hữu cơ trong ruộng và các chất hữu cơ này tác động đến cây lúa như thế nào thì cán bộ của phòng không thể đánh giá được. Ông Tống Việt Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Việt Yên khẳng định, diện tích lúa bị thiệt hại tại Quang Biểu không phải do giống lúa, do phương pháp chăm sóc hay do sâu bệnh mà nguyên nhân là do nguồn nước.

Đại diện UBND huyện Việt Yên tại các buổi làm việc đã đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang vào cuộc để tìm ra nguyên nhân chính xác gây thiệt hại cho cây lúa. Bên cạnh đó, UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo các phòng chức năng tiến hành gặt điểm, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại. Đồng thời đề nghị Cty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang tạm ứng kinh phí hỗ trợ các hộ dân có ruộng lúa bị ảnh hưởng với lý do để ổn định tình hình nhân dân và giữ uy tín cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.