Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Bài học từ TPHCM

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Bài học từ TPHCM
TP - Là đầu tàu kinh tế cả nước, trong nhiệm kỳ qua, TPHCM địa phương duy nhất cả Bí thư lẫn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mất chức, nhiều lãnh đạo bị xử lý hình sự. Thành phố phải vật lộn giải quyết hậu quả các vụ vi phạm, tiêu cực do cán bộ gây ra, khiến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Thiệt đơn, thiệt kép…

Sáng 14/5, trở lại bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), chúng tôi ghi nhận nhiều hộ dân bị giải tỏa tại dự án Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm đã rời khu tạm cư tạm bợ, nhếch nhác chuyển đến ở tạm trong các căn hộ chung cư tái định cư rộng rãi, tiện nghi hơn. Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Quận 2 cho biết TPHCM vừa ban hành chính sách bồi thường, hoán đổi đất cho các hộ dân khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch, sắp tới UBND Quận 2 sẽ hiệp thương với người dân để giao đất. Bà con chờ đợi đã lâu nên quận sẽ cố gắng hoàn thiện kế hoạch, giao đất trong thời gian sớm nhất.

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Bài học từ TPHCM ảnh 1 Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) có nhiều sai phạm khiến hàng loạt cựu lãnh đạo TPHCM bị kỷ luật, trong đó cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bị cách chức

Sai phạm tại dự án KĐT Thủ Thiêm khiến cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải bị cách chức. Cựu Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và hai cấp phó bị kỷ luật. Nói về vụ Thủ Thiêm, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Cương nói, sai phạm của cán bộ bắt đầu từ việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là khu tái định cư 160 ha.

Ông Cương nhấn mạnh: “Sửa cái đó là sai. Chủ trương lúc đó là người dân bị thu hồi đất phải được tái định cư sát với trung tâm để được hưởng lợi từ KĐT Thủ Thiêm. Thành phố tự ý điều chỉnh quy hoạch, đẩy người dân đi xa”.

Ngoài vụ Thủ Thiêm, nhiều lãnh đạo khác của UBND TPHCM như cựu Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, nhiều lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM, sở ban ngành bị xử lý hình sự vì liên quan đến các đường dây thâu tóm “đất vàng”. Theo ông Võ Văn Cương, từ trước đến nay, TPHCM chưa bao giờ sai “dữ dội” và ở cấp cao như vậy. Sai phạm xuất phát từ công tác kiểm tra giám sát chưa tốt trong quá trình quản lý và tổ chức thực hiện.

“Cán bộ cũng là con người. Hôm qua anh tốt nhưng hôm nay có thể mắc sai lầm. Phát hiện sai phạm và xử lý ngay thì đâu đến nỗi, đằng này để tích tụ, cái sai này dẫn đến cái sai khác. Tinh thần dân chủ, ý kiến tập thể khi xem xét những vấn đề lớn bị hạn chế. Những sai phạm trên bắt nguồn từ việc những vấn đề lớn không được đưa ra tập thể bàn, để một người tự quyết. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” bị xem nhẹ. Tình trạng nể nang nhau, thấy sai không nói, không can gián nên dẫn đến sai phạm”, ông Cương nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, sai phạm tại dự án KĐT Thủ Thiêm làm hầu hết các dự án đang triển khai bị “đóng băng” gần 3 năm qua vì TPHCM phải tập trung sửa sai và xử lý các vấn đề sau thanh tra… Làm việc với lãnh đạo TPHCM hôm 8/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra tiềm năng về đất đai của TPHCM rất lớn, đặc biệt KĐT Thủ Thiêm có thể tạo nguồn lực hàng chục nghìn tỷ đồng. TPHCM cần xử lý không để khiếu kiện kéo dài, sớm ổn định lòng dân để tập trung phát triển.

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Bài học từ TPHCM ảnh 2 Cán bộ sai phạm, lòng dân bất an
Lựa chọn người đủ đức, đủ tài…

Đánh giá cao nhiệm kỳ này đã trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, được đào tạo chuyên môn bài bản, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Trần Văn Đông nhấn mạnh công tác cán bộ quyết định đến sự thành bại của nhiệm vụ. Ông Đông nhớ lại: “Hồi tôi còn làm, một chức danh luôn có ít nhất 2 người, sẵn sàng nhiệm vụ. Người này nghỉ, chuyển đi lập tức có người khác thay thế. Bây giờ có những trường hợp ngồi chưa nóng ghế đã điều chuyển đi, cứ thay đổi liên tục. Ở Ban Tổ chức Thành ủy cũng vậy. Có trường hợp bố trí bên Ban Tổ chức, sau đó qua ủy ban rồi tiếp tục chuyển về Ban Tổ chức. Điều chuyển liên tục làm sao tích lũy được kinh nghiệm. Có những chức danh để trống mãi không có cán bộ. Rõ ràng công tác quy hoạch vừa qua làm chưa tốt. Người tốt, người giỏi ở TPHCM không thiếu, quan trọng là quy hoạch và đánh giá như thế nào”.

Theo ông Trần Văn Đông, để có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, TPHCM cần thực hiện quy hoạch mở; lựa chọn cán bộ trẻ có triển vọng, phẩm chất đạo đức tốt đưa xuống cơ sở để rèn luyện, thử thách. Đánh giá cán bộ cần có tiêu chí cụ thể, chí công vô tư, thông qua hiệu quả công việc, từ đó mới xem xét tiếp tục bố trí hay đề bạt; tuyệt đối không để tình cảm cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm, tác động. Và, TPHCM có thể tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ các Học viện, trường đại học…

Ông Đông nhớ lại: “Hồi mới về làm Trưởng ban Tổ chức cán bộ Thành ủy TPHCM, có một đồng chí lãnh đạo Đảng dặn tôi: Cậu làm công tác tổ chức thì cái cổ phải cứng, cái lưng phải thẳng, cái đầu phải sáng và cái tâm phải trong. Người làm công tác tổ chức nếu không ngay ngắn, đàng hoàng rất dễ dẫn đến phe cánh, lợi ích nhóm. Nói hơi đụng chạm, vừa qua có vài trường hợp ở nơi khác làm không được hoặc có chuyện này chuyện kia là được đưa về bố trí ở Ban Tổ chức. Làm chuyên viên còn chấp nhận, đằng này bố trí làm lãnh đạo”.

Các sai phạm để lại nhiều bài học quý cho TPHCM. Đó là phải làm đúng quy chế của cấp ủy các cấp. Thành ủy TPHCM có quy chế quy định việc gì bàn trong Thường trực, việc gì phải đưa ra Thường vụ, Ban chấp hành. Trong quy chế quy định những dự án di dời khoảng 1.000 người trở lên thì thường vụ phải xem xét trước, sau đó Ủy ban mới làm dự án di dời và trình HĐND thông qua.

“Trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn chồng chéo thì phải thảo luận. Giám đốc sở, chủ tịch quận - huyện còn băn khoăn, thì tập thể lãnh đạo cùng bàn bạc xem vận dụng như thế nào. Nếu ban giám đốc, lãnh đạo quận/huyện vẫn chưa yên tâm thì báo lên, Thành phố sẽ giúp để định hướng. Với những việc cấp bách, vận dụng không quá khó nhưng vẫn còn băn khoăn thì Thường vụ Thành ủy sẽ định hướng cụ thể nên làm bây giờ hay để lại, làm thì làm theo hướng nào, hoặc báo cáo Chính phủ nếu cần thiết để xin ý kiến hoặc xin làm thí điểm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND quận chưa là… công chức

Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng  năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 7 năm qua TPHCM có hơn 1.000 quyết định về cán bộ có sai sót, trong đó có 139 hồ sơ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Có 49 trường hợp có sai sót không thể khắc phục được phải thu hồi quyết định. Thanh tra Bộ Nội vụ còn phát hiện TPHCM tiếp nhận một số trường hợp vào bộ máy hành chính không qua thi tuyển công chức, trong đó có trường hợp chưa được tiếp nhận công chức nhưng đã làm đến Phó Chủ tịch UBND quận.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.