Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Cuộc chuyển giao thế hệ và bài học 'chín ép'

TP - Đại hội 13 lần này là thời điểm chuyển giao thế hệ từ những người sinh ra, rèn luyện trong những năm kháng chiến, sang lớp cán bộ trưởng thành trong hòa bình, được hưởng những thành quả to lớn của quá trình đổi mới và sự sôi động của kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi nhân sự được lựa chọn không chỉ tiếp nối được quá trình đổi mới mà còn tránh được những cám dỗ về lợi ích cá nhân, “tham vọng quyền lực”, để toàn tâm toàn ý đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.

Trao chìa khóa cho người có đủ tài, đức

Nói về thời điểm chuyển giao thế hệ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, tre già thì măng mọc, “con hơn cha là nhà có phúc”. Đó là quy luật muôn thủa và cũng là thành công của Đảng ta. “Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, dám xông pha, có đủ sức lực, trí tuệ và có thời gian tích lũy, đó là ưu thế của lớp trẻ. Đào tạo, rèn luyện để thế hệ trẻ tiếp nối, tham gia vào bộ máy, điều hành đất nước đi lên là việc làm cần thiết và cũng là mong muốn của mọi người”, ông Kim chia sẻ.

Với trải nghiệm thực tế của người có nhiều năm làm trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác cán bộ là “then chốt” của mọi “then chốt” nên luôn có sự kế thừa. Cái khác trước, lần này đội ngũ cán bộ đa phần trưởng thành trong hòa bình, được hưởng thành quả từ quá trình đổi mới của đất nước. Đội ngũ này có kiến thức, bằng cấp nhiều hơn so với thế hệ trước. Cái thiếu, có chăng là trải nghiệm “trường đời” chưa nhiều, song điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Vì thế, theo ông Thưởng cần mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm nhiều hơn cho đội ngũ cán bộ trẻ, để họ phát huy năng lực, trí tuệ, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. 

Nhìn lại những “hạt giống chín ép” vừa qua, điển hình như trường hợp Nguyễn Xuân Anh, theo ông Vũ Trọng Kim, điều ngày xuất phát từ ý thức tu dưỡng, rèn luyện sau khi được đề bạt, bổ nhiệm. “Có những cán bộ đã đạt độ chín, nhưng lại lơi lỏng trong tu dưỡng, rèn luyện. Tại thời điểm được lựa chọn, có thể anh là cán bộ tốt, nhưng khi đã được đề bạt, bổ nhiệm rồi, anh lại không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Có quyền lực trong tay, anh bị cám dỗ, rồi lợi dụng quyền lực, dẫn đến tự đánh mất mình”, ông Kim nhìn nhận.

Cũng khẳng định, cần mạnh dạn đặt niềm tin vào những người trẻ, song ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đừng vì những khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua mà lo ngại người trẻ bị “chín ép”. Điều quan trọng là khâu lựa chọn phải kỹ càng, bảo đảm nhân sự có đủ tài, đủ đức, trong đó đức là gốc. “Lựa chọn người trẻ phải là những người tiêu biểu, công tâm, khách quan, chứ không phải chọn theo “quan hệ”, “hậu duệ”, “tiền tệ”. Bên cạnh đó, khi lựa chọn được rồi thì phải quan tâm, đào tạo, giáo dục, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, vi phạm”, ông Hùng nói.

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Cuộc chuyển giao thế hệ và bài học 'chín ép' ảnh 1 Vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh để lại nhiều bài học trong lựa chọn cán bộ.

 Không tham vọng quyền lực và tiền bạc

Từ bài học kinh nghiệm khóa XII, theo ông Vũ Trọng Kim, nên cân nhắc, lựa chọn những người trải qua thực tiễn, vấp váp trưởng thành trong gian khó, luôn trăn trở với nỗi đau của những người nghèo khổ, đừng lựa chọn những người đi lên trong nhung lụa. Bởi khi đã quá thuận lợi rồi, anh chỉ nghĩ làm cán bộ sẽ được hưởng cái này, hưởng cái kia mà không biết xả thân vì công việc, vì nhân dân.

Viện dẫn câu nói “không ai đánh đổ được mình, chỉ tự mình đánh đổ mình”, ông Kim nhấn mạnh, đó là một bài học sâu sắc cho mỗi cán bộ, đảng viên. Được bổ nhiệm rồi mà không tu dưỡng, rèn luyện “từng giờ, từng ngày” khó tránh khỏi “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Bởi cả quá trình tốt, nhưng chỉ một phút ngả nghiêng, bị mua chuộc thì dễ “tự đánh đổ mình”. “Phía trước là Tổ quốc, còn phía sau là gia đình, người thân. Nhưng tiếng gọi phía sau thường hấp dẫn hơn tiếng gọi phía trước”, ông Kim bày tỏ.

“Tôi muốn nhắn nhủ tới lớp cán bộ trẻ ngày nay, mỗi đêm phải đặt tay lên trán hỏi ngày qua mình đã làm gì, làm như thế nào, điểm nào tốt, điểm nào chưa để bổ sung cho công việc ngày mai. Tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt không mảy may tham vọng quyền lực, tiền của, danh lợi. Đã là cán bộ thì phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, thận trọng cân nhắc từng việc một. Mỗi lần đưa ra quyết định gì đó phải hết sức cân nhắc xem việc đó tốt không. Nếu có bóng dáng chủ nghĩa cá nhân trong đó thì phải cương quyết gạt ra. Đừng chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ nhoi trước mắt mà làm mất đi cái to lớn lâu dài”, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

Từ bối cảnh thực tế kinh tế, xã hội ngày nay, ông Thưởng cho rằng, đội ngũ cán bộ mới phải là những người biết phát huy sức mạnh tập thể. Theo ông, trước đây, trong công cuộc giành độc lập sức mạnh cá nhân có vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt tập thể và xã hội. Song giờ đây, muốn lớn mạnh, phát hiện thì phải biết phát huy sức mạnh của tập thể, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, ông Thưởng cũng lưu ý, những cám dỗ vật chất hiện nay rất lớn. Vì thế, phải chú ý xây dựng cơ chế, giám sát để phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, vụ lợi trong đội ngũ cán bộ.

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đừng vì những khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua mà lo ngại người trẻ bị “chín ép”. Điều quan trọng là khâu lựa chọn phải kỹ càng, bảo đảm nhân sự có đủ tài, đủ đức, trong đó đức là gốc.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.