Lừa đảo tài sản khó hiểu ở Hà Nội: Thôi miên hay ảo thuật ?

Lừa đảo tài sản khó hiểu ở Hà Nội: Thôi miên hay ảo thuật ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng thôi miên để lấy tài sản có khả năng xảy ra trên thực tế. Đại diện CA Hà Nội cho biết các vụ tố cáo thôi miên lấy tiền khi xác minh chỉ là trò lừa đảo.
Lừa đảo tài sản khó hiểu ở Hà Nội: Thôi miên hay ảo thuật ? ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải                                  ảnh: Lê Anh Đạt

Trên thực tế, hiện tượng tạm gọi là “thôi miên” (ví như đã nêu ở Tiền Phong 30/3/2005) có xảy ra nhiều không, thưa ông?

Năm 1973, một tạp chí của Liên Xô đã có bài viết về một người có khả năng ngoại cảm, dùng ý nghĩ của mình điều khiển hành vi người khác. Người đó là Tôphich Đađasép. Thời còn học phổ thông, một lần không thuộc bài, sợ bị gọi trả bài cũ, Tôphich Đađasép thầm nghĩ: “Ước gì cô giáo ra khỏi lớp trong lúc này…”.

Lập tức, cô giáo bước ra khỏi lớp, khiến mọi học sinh ngỡ ngàng không hiểu vì sao. Lần khác, thấy hai đứa trẻ đang cãi nhau, Tôphich dùng ý nghĩ của mình can thiệp, hoà giải bất đồng của chúng và cũng thành công như lần điều khiển cô giáo.

Khi trưởng thành, Tôphich Đađasép muốn tham gia câu lạc bộ xiếc. Để trở thành thành viên câu lạc bộ xiếc, Tôphich phải qua một buổi kiểm tra. Tại buổi kiểm tra này, Tôphich đã dùng ý nghĩ của mình buộc vị chủ tịch ban giám khảo rời khỏi ghế và nhảy lò cò… T

rong đại chiến thế giới lần thứ 2, cũng có một nhân vật có khả năng như thế. Đó là Fon Mec Xing (người Đức, gốc Do Thái). Một lần Fon Mec Xing dùng khả năng đặc biệt của mình vượt qua rất nhiều cảnh vệ, vào phòng riêng Xtalin. Thấy lạ, Xtalin hỏi, Fon Mec Xing tiết lộ đã dùng ý nghĩ của mình điều khiển cảnh vệ phải tin rằng, tờ giấy trắng Fon Mec Xing đang cầm là “giấy giới thiệu” được phép gặp Xtalin… Trên thực tế đã có không ít người có khả năng như thế. 

Trong hoàn cảnh bị mất tiền và tài sản đã được phản ánh ở số báo trước, một số “nạn nhân” cho rằng họ bị “thôi miên”?

“Thôi miên” được hiểu là dẫn dụ lời nói đưa người bị thôi miên vào trạng thái nửa thức, nửa ngủ rồi tuân theo sự điều khiển của người thôi miên. Trong hoàn cảnh mất tiền của người dân (phản ánh trong bài báo) chưa có quá trình dẫn dụ (các quy tắc “thôi miên”).

Theo đó, buộc người khác làm theo sai bảo của mình, phải là người có khả năng như Tôphich Đađasép (trực tiếp tác động vào suy nghĩ người khác, không qua quá trình dẫn dụ)… Người ta có thể dùng ánh mắt hoặc hành động nào đó để điều khiển người khác làm theo ý mình.

Hiện tượng báo nêu, hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Qua Tiền Phong, tôi muốn nhắn rằng, với những người có khả năng như thế, đất nước, xã hội, khoa học rất cần. Họ có thể kiếm được nhiều tiền từ tài năng của mình, bằng lao động chân chính, chứ và không cần đem làm việc lừa đảo, phi đạo lý, vi phạm pháp luật.

Những người như Tiền Phong vừa nêu, họ có khả năng thôi miên thật không, chúng ta chưa biết rõ, nhưng trong cuộc sống thì việc thôi miên hoàn toàn có thể xảy ra, và không ít người đã có khả năng như thế.

Họ chỉ cần (có thể qua báo Tiền Phong) liên hệ với Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Đến đây, họ sẽ không những không bị truy xét mà còn được tham gia nghiên cứu khoa học, nhằm góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho nhân loại.

Thêm những nạn nhân tố cáo về một đối tượng phụ nữ ngoài 50 tuổi…

Ngay sau khi Tiền Phong số 63 đăng bài “Hiện tượng lạ đang diễn ra tại Hà Nội”, đã có thêm những bạn đọc trực tiếp đến hoặc gọi điện đến toà soạn, tiếp tục tố cáo hành vi “lạ” của một phụ nữ ngoài 50 tuổi…

Chị Nguyễn Thị Bích, nhà ở ngõ Gốc Đề, đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Lúc 12 giờ ngày 27/3, tại đường Trường Chinh đoạn gần cổng Bảo tàng Không quân, chị Bích có dừng xe máy sát vỉa hè để mua mít.

Khi chị Bích rút ví ra để trả tiền, xuất hiện 2 phụ nữ đi xe Future màu ghi áp sát. Người ngồi sau khoảng 50 tuổi, cao 1m60, to béo, da ngăm đen, dáng thô, xuống xe áp sát chị Bích, trừng mắt nhìn và hỏi: “Mua bao nhiêu tiền một cân mít?”. Chị Bích đáp: “Tám nghìn đồng”.

Người phụ nữ này bỗng giật phắt chiếc ví chị Bích đang cầm, giấu ra sau lưng, miệng liến thoắng: “Ví mà lại để hớ hênh thế này à? Lần sau không được để ví thế này đâu nhé!”.

Chị Bích vội xuống xe nói gay gắt: “Cái bà này làm kiểu gì đấy”. Người phụ nữ to béo bèn đưa trả ví chị Bích, miệng vẫn liến thoắng “Đây, trả đây này. Lần sau phải cẩn thận đấy nhé!”; rồi mụ lên xe của đồng bọn phóng đi luôn. Chị Bích chột dạ vội giở ví xem, thì đã bị mụ kia rút mất 500 USD (tiền Việt trong ví không bị rút)!

Chị Đặng Thị Thanh, nhà ở Nhân Chính (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng tố cáo: Trước Tết Âm lịch vừa rồi, chị Thanh dừng xe sát vỉa hè ở Ô Đông Mác (đầu đường Trần Khát Chân) để mua hoa. Chị trả tiền xong cất ví vào túi xách để ở võng xe Chaly thì có một phụ nữ to béo da đen khoảng ngoài 50 tuổi tiến đến nhìn vào mặt chị, miệng nói: “Ví mà để hớ hênh thế này à?”, đoạn tay thò vào túi xách của chị Thanh rút phắt chiếc ví ra giấu sau lưng.

Chị Thanh hốt hoảng: “Ơ, hay nhỉ, đưa trả ví đây”. Quái nữ đưa trả ví và nói: “Đây nhắc cho mà biết thế thôi nhé!”, rồi mụ bỏ đi mất dạng. Chị Thanh vội giở ví ra xem, phát hiện quái nữ đã rút 2 tờ loại 100.000 đồng.

Qua 2 trường hợp của chị Bích và chị Thanh, có thể thấy đối tượng có hành vi “lạ” kiểu này thường nhằm vào phụ nữ đang mua bán hàng ở tư thế ngồi trên xe máy, và “trò diễn” của đối tượng có lẽ không phải “thôi miên” mà chỉ là “mau miệng, nhanh tay, lẹ mắt”.

 Trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Đức Bình – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CA TP Hà Nội – cho biết: Cơ quan của ông đã từng nhận được nhiều nguồn tin, đơn thư tố cáo về hành vi “thôi miên” để chiếm đoạt tài sản, và đã khám phá, bắt giữ một số đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài.

Tuy nhiên, Thượng tá Bình khẳng định, tất cả những vụ đã bắt được đối tượng đều không phải là “thôi miên”, mà chỉ là trò lừa đảo. Thường thì có 2 dạng: Dạng tranh thủ lúc đếm tiền để “rút lõi”; dạng nữa là đối tượng có 2 – 3 tên, đứa nói chuyện đánh lạc hướng, đứa khác lẻn vào đánh cắp tiền, hàng. Những vụ việc này, người bị hại thường cho là họ bị “thôi miên”, và những thông tin này thường loang đi rất nhanh.

Thượng tá Bình khuyến cáo những người bán hàng cần đề cao cảnh giác; khi phát hiện bọn tội phạm, cần hô hoán để cùng những người xung quanh kịp thời bắt giữ đối tượng, vì đây thuộc loại “tội phạm quả tang”.

MỚI - NÓNG