Ông Lê Thanh Tuyền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):

Lúa tuột giá, hàng loạt nhà máy xay xát đóng cửa

Lúa tuột giá, hàng loạt nhà máy xay xát đóng cửa
TP - Lúa hè thu đã gặt rộ, tại nhiều địa phương của ĐBSCL, người ta thấy những đống lúa lớn chất bên đường, trên bờ kênh, bờ ruộng mà theo bà con nông dân là đã nhiều ngày nhưng không có người mua. Trong lúc này, nhiều nhà máy xay xát cũng ngừng hoạt động.

Chủ nhà máy xay xát Nguyên An (phường 7, TP Sóc Trăng), cho biết: “Hiện tại ở Sóc Trăng giá lúa tươi khoảng từ 3.000 - 3.200đ/kg, lúa khô dao động 4.200 - 4.300đ/kg nhưng không nhà máy nào dám mua vào. Để giải quyết việc làm cho công nhân, chúng tôi chỉ dám nhận sấy lúa ướt cho bà con chứ không dám mua lúa vào kho như trước. Mua lúa dự trữ lỗ nặng lắm”.

Tại huyện Tân Châu (An Giang), chủ doanh nghiệp xay xát Đại Thành, ông Nguyễn Văn Út, kể: “Mọi năm vào thời điểm này, nhà máy của tôi xay xát mỗi ngày hơn 200 tấn lúa, còn hiện giờ thì một hột cũng không dám mua.

Lúa tuột giá, hàng loạt nhà máy xay xát đóng cửa ảnh 1
Nhiều máy xay xát ngừng hoạt động. Ảnh : PV

Chẳng riêng nhà máy của tôi mà các nhà máy trong khu vực đều ngưng hoạt động, chỉ vài cái hoạt động cầm chừng. Bởi lúa tuột giá hoài, mua vào là lỗ. Đầu vụ hè thu, giá lúa 4.800 đ/kg, nông dân lời chút ít còn chúng tôi đã trắng tay vì chỉ bán được gạo với giá 6.050đ/kg cho các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Chúng tôi hỏi chuyện chị Lê Ngọc Phượng, 30 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang), một người mua lúa ở nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL. Chị Phượng kể: “Hơn tháng nay, tôi đi mua lúa luôn chịu lỗ vì vừa mua lúa xong thì giá trên thị trường lại tuột xuống. Chưa bán, mới tính tiền mướn người phơi khô đã thấy lỗ rồi”.

Chị Hương, chủ một đại lý kinh doanh gạo ở phường 4, TP Sóc Trăng cho biết: “Tôi nhập gạo vào với giá 7.000đ/kg, bỏ mối với giá 7.100đ/kg nhưng cũng không được nhiều lắm, chủ yếu trên địa bàn TP Sóc Trăng thôi”.

Doanh nghiệp xuất khẩu nghe ngóng

 7 tháng đầu năm 2008, nước ta đã xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,8 tỷ USD, bằng 93,2% về sản lượng, 187,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo thế giới đang giảm mạnh. Đầu tháng 7/2008, giá gạo loại 5% tấm giảm xuống 650-670 USD/tấn, nhưng hiện nay còn 600-620 USD/tấn.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khu vực ĐBSCL hiện không dám mua lúa gạo vì sợ lỗ do giá gạo trên thế giới hiện liên tục giảm. ĐBSCL có khoảng 8 triệu tấn lúa hè thu đã thu hoạch đang gặp khó về nguồn tiêu thụ.  

Ông Trương Văn Thắng, GĐ Xí nghiệp Chế biến lương thực 3 - 2, TP Sóc Trăng (trực thuộc TCty Lương thực miền Nam), cho biết: “Xí nghiệp chúng tôi, trước đây mỗi ngày nhập khoảng từ 300 - 400 tấn gạo, nhưng đã hai tuần nay không mua một tấn nào vì chưa có đầu ra.

Kho của xí nghiệp chúng tôi còn tồn 7.000 tấn gạo, cứ kiểu này thì ôm gạo mà chịu lỗ thôi”. Nhiều xí nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng trong tình cảnh như xí nghiệp 3 - 2: Không dám mua lúa vào dự trữ, còn gạo tồn kho không biết bán cho ai.

Ông Trương Văn Thắng giải thích lý do không mua lúa như sau: “Thứ nhất là lãi suất ngân hàng cao (từ 1,7 - 1,9% tháng), nếu vay tiền mua lúa vào nhưng không bán được thì ôm nợ “chết” ngay, thứ hai là việc xuất khẩu áp thuế lũy tiến chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp phải nghe ngóng đã”.

Còn TGĐ Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang, ông Nguyễn Hùng Linh, cho hay: “Năm ngoái, chúng tôi xuất 280.000 tấn gạo, năm nay sẽ thấp hơn. Hiện, chúng tôi đang có kế hoạch xuất 30.000 tấn gạo nhưng việc mua gạo thực hiện chậm. Gạo nguyên liệu chúng tôi mua tại các nhà máy hiện nay là 6.200đ/kg. Giá gạo trên thế giới cũng đang giảm”.

Lúa tuột giá, hàng loạt nhà máy xay xát đóng cửa ảnh 2
Ảnh : PV

Nông dân âu lo

Chiều 1/8, có mặt tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Trước mặt chúng tôi là chị Nguyễn Thanh Nhàn, 30 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Thanh Bình đang đứng trước hơn 4 tấn lúa chất bên đường để chờ thương lái đến mua. Chị nói: “Tôi làm 8 công ruộng (8.000m2), thu được hơn 4 tấn lúa.

Hôm mới tuốt, lúa tươi được thương lái trả 3.600đ/kg, quá rẻ nên tôi chưa bán, neo lại để hy vọng liệu có tăng được đồng nào không. Các loại vật tư, phân bón đều tăng giá mà lúa tuột thế này là ăn cả vào vốn”.

Bên con đường nhựa ở xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo, Tiền Giang), chúng tôi thấy hàng chục, hàng trăm bao lúa chất đống ven đường chờ người mua. Ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang), mấy người thợ gặt thuê trên ruộng nói với chúng tôi: “Sáng nay chủ ruộng kêu chúng tôi đến gặt lúa mà cái mặt nhìn không vui tí nào, hỏi thì biết giá lúa quá thấp và mùa này ruộng bị thất thu vì 6 công ruộng họ lỗ hơn 3 triệu đồng”. 

Ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp, Kiên Giang), anh Nguyễn Ngọc Chính than thở: “Mọi năm thời điểm này trên bờ, dưới bến kẻ mua, người bán tấp nập, nay vắng hoe, không thấy bóng dáng ghe mua lúa đâu cả. Thỉnh thoảng có người mua thì kén chọn, chỉ mua giống lúa 2517, còn giống lúa 50404 của tôi chẳng ai hỏi. Giá lúa giảm, trong khi đó các chi phí đều tăng. Một công phơi lúa năm ngoái 60.000 đồng nay đã tăng lên 100.000 đồng”.

Ông Nguyễn Văn Liền, một nông dân ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thở dài: “Trước đây giá lúa tăng nên nhiều nhà nông chúng tôi không bán mà trữ lúa lại, nay giá giảm nên lỗ nặng, bình quân mỗi ký lỗ trên dưới 3.000 đồng.

Ông Lê Thanh Tuyền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Hiệp (Kiên Giang):

Chưa năm nào năng suất lúa hè thu đạt cao như năm nay

“Chưa năm nào năng suất lúa vụ hè thu đạt cao như năm nay với 6,2 tấn/ha, sản lượng ở huyện Tân Hiệp trên 224.000 tấn. Lúa được mùa, được nắng. Tuy nhiên, giữa nông dân và doanh nghiệp lại đang trách móc lẫn nhau”.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

Việc tiêu thụ lúa đang rất bị động

“Lúa hàng hóa trong nông dân An Giang còn khoảng 1 triệu tấn. Khi giá cao thì nông dân không bán được vì vấn đề an ninh lương thực thời điểm đó, nay giá thấp cũng khó bán vì nhu cầu ngoài nước đã hạ xuống. Việc tiêu thụ lúa cho nông dân đang rất bị động, nông dân luôn chịu thiệt”.

Ông Nguyễn Văn Út, chủ doanh nghiệp xay xát Đại Thành (Tân Châu, An Giang):

Khoản lợi lớn trong xuất khẩu, chúng tôi không được hưởng

“Chúng tôi bán gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ được giá 6.050 đ/kg, tức là tương đương khoảng 335 USD/tấn, bằng một nửa giá xuất khẩu hiện nay. Khoản lợi nhuận lớn trong xuất khẩu gạo, những người mua bán trực tiếp với nông dân như chúng tôi lẫn nông dân đều không được hưởng”.

GSTS Võ Tòng Xuân:

Hệ thống phân phối lúa gạo của chúng ta quá bất hợp lý

“Với giá gạo trên thế giới hiện nay, theo tôi lúa xuất khẩu nếu mua giá 6.000 đ/kg là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, hệ thống phân phối lúa gạo của chúng ta hiện quá bất hợp lý, trong đó chi phí quản lý rất lớn, tất cả đè nặng lên lưng người nông dân”.

Một lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp:

Khó được giá như trước

“Trong 6 tháng đầu năm 2008, Đồng Tháp chế biến hơn 1 triệu tấn gạo, xuất khẩu được hơn 107.000 tấn. Kế hoạch năm 2008 xuất khẩu 350.000 tấn gạo nhưng chỉ có thể đạt 200.000 tấn. Chúng tôi đã lỡ mất cơ hội xuất khẩu gạo rất lớn. Tháng 4 - 5, giá gạo thế giới rất cao, thời điểm đó lượng lúa gạo của Đồng Tháp còn rất lớn nhưng không được xuất khẩu. Bây giờ chúng tôi xuất khẩu gạo trở lại thì đã muộn, khó có được giá như trước nữa”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.