Luật còn 'thòng', cấp phó còn 'lạm phát'

ĐB Nguyễn Đức Kiên trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (phải) và Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ (trái) bên lề phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Hồng Vĩnh.
ĐB Nguyễn Đức Kiên trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (phải) và Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ (trái) bên lề phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 1/6, thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng, nếu luật vẫn còn “thòng” thêm câu “trường hợp đặc biệt” để cho phép tăng “vượt khung” số lượng cấp phó thì rồi cuối cùng các trường hợp được bổ nhiệm thêm sẽ lại “chui”  vào “trường hợp đặc biệt” hết.

Trên sai một ly, dưới đi một dặm

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) việc quy định “cứng” các bộ, ngành không được quá 5 thứ trưởng, riêng Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao không quá 6 thứ trưởng là phù hợp. Ông Thuyền chỉ ra rằng, việc Dự thảo luật vẫn “thòng” thêm một câu: “Trường hợp đặc biệt… thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để tăng số lượng thứ trưởng” là không phù hợp. “Chúng ta đưa ra nguyên tắc cứng, nhưng lại có thêm nguyên tắc “mềm” để tăng thêm cấp phó là không được? Tôi đề nghị phải bỏ chỗ này. Không thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quyết cao hơn Quốc hội”, ông Thuyền bày tỏ quan điểm.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, thực tế, qua công tác tổ chức cán bộ thì cái mà chúng ta đang hướng đến là việc bổ nhiệm số lượng cấp phó đi vào khuôn khổ. Nhưng trong Dự thảo luật trình Quốc hội lần này vẫn có “trường hợp đặc biệt” là không đặc biệt. “Tôi nghĩ rằng nếu quy định như trên, thì muốn bổ nhiệm thêm cấp phó tất cả sẽ chui vào “trường hợp đặc biệt” hết. Bởi đưa vào “trường hợp đặc biệt” là đều có thể giải quyết được”, ông Cương cảnh báo.

Tán đồng với các ý kiến trên, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, đã là luật thì phải rõ ràng minh bạch, hạn chế tối đa những quy định mở, dễ dẫn đến vận dụng theo kiểu A cũng đúng và ngược lại B cũng không sai. “Hiện chúng ta vẫn quy định mỗi sở không quá 3 phó giám đốc. Nhưng thực tế có nơi đến 4, 5 cấp phó. Khi có ý kiến về việc đó thì họ bảo Trung ương cũng quy định không quá 4 thứ trưởng nhưng có đơn vị đến 9 thứ trưởng có sao đâu? Báo cáo với Quốc hội đây là chuyện thật 100%, nghĩa là luật đúng nhưng cấp dưới làm không nghiêm, hoặc cấp trên sai một ly, cấp dưới đi một dặm ngay. Như vậy, tình trạng nhờn pháp luật sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa”, ông Khanh cảnh báo.

Theo ông Khanh, để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước mạnh cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, việc tinh giản biên chế, giảm cấp phó phải thực hiện từ Trung ương tới địa phương. “Nhiều nước dân số gấp 3, 4 lần Việt Nam, nhưng bộ máy gọn thế mà họ vẫn làm được, làm tốt”, ông Khanh dẫn chứng và cho rằng, ở Việt Nam ta nếu giảm thêm 1/3 cấp phó so với quy định trong Dự thảo luật thì có khi bộ máy lại vận hành tốt hơn, năng lực trình độ của người đứng đầu bộ, ngang bộ cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy được cao hơn.

87 nghìn tỷ bỏ ra, xong không ai chịu trách nhiệm

Đề cập về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, không tương xứng với nhau. “Tôi xin gửi lại Ban soạn thảo một câu hỏi: Trong trường hợp xảy ra như vụ việc Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm, quy định trách nhiệm trong này như thế nào? Không phải bây giờ 87 nghìn tỷ đồng bỏ ra, xong rồi không ai chịu trách nhiệm. Tôi xin chuyển Ban soạn thảo câu hỏi của cử tri”, ông Kiên nói.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. “Vừa qua, trong bộ máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương còn xảy ra tham nhũng nhưng trách nhiệm của Chính phủ chưa được rõ ràng”, ông Tiếp cho hay.

Tương tự ông Tiếp cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, chống lãng phí trong bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội của Thủ tướng Chính phủ. “Tiếp xúc cử tri thời gian qua, cử tri luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bởi vì thời gian qua tham nhũng không được đẩy lùi, mà còn gia tăng, nguy cơ hơn”, ông Tiếp nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, không thể quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu rất lớn, nhưng trách nhiệm rất nhỏ. Ông Thuyền đề nghị bổ sung thêm ba trách nhiệm của Chính phủ là hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Quốc hội giao; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và trách nhiệm trả lời trực tiếp chất vấn tại Quốc hội.

Chuyên viên “to” hơn Bộ trưởng

“Ngay trong nội bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, chúng tôi xin đề nghị cũng phải cải cách hành chính. Một đồng chí là chuyên viên Văn phòng Chính phủ còn to hơn cả đồng chí thứ trưởng, thậm chí còn có vị trí cao hơn cả một đồng chí Ủy viên Trung ương là Bộ trưởng. Bởi vì nếu trình các dự án, các báo cáo, được trình Chính phủ hay không là do đồng chí chuyên viên đó phải trình”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.