Luật cũng bị "rút ruột"

Luật cũng bị "rút ruột"
Từ ngày 1/7, Luật Đầu tư (ĐT) - một trong 8 luật được Quốc hội (QH) thông qua - đã có hiệu lực pháp luật. Ấy vậy mà các nhà đầu tư, DN chưa thực hiện, mà cứ nhất mực chờ đợi nghị định hướng dẫn thi hành mới yên tâm "làm ăn".

Tâm lý chung là họ sợ cái cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"...

Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ĐT rút từ Luật ĐT ra một quy định, hướng dẫn: "Nhà đầu tư có quyền... sáp nhập, mua lại DN". Quy định như vậy là không chính xác, bởi việc sáp nhập, mua lại DN chỉ thực hiện giữa doanh nghiệp với nhau, chứ không phải là việc giữa các nhà đầu tư. Và nghị định cho nhà đầu tư thêm đặc quyền đặc lợi "được trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu" là không đúng.

Vì trực tiếp XNK là quyền của DN, tổ chức kinh tế chứ không phải của nhà đầu tư... Lâu nay không chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành vẫn có tâm lý là khi trình dự án luật muốn giữ lại cho mình những lợi ích nào đó, nên đã tạo ra "thói quen" làm luật "khung", luật "ống" - để rồi đến khi ban hành văn bản hướng dẫn luật sẽ rút ra, bớt lại những quy định mang tính đặc quyền, đặc lợi.

Tại chính diễn đàn QH, khi thảo luận một số nghị định kèm theo dự án luật, nhiều ĐB đã phải thốt lên rằng: "Sao không đưa những quy định của nghị định vào luật luôn? Nhưng ban soạn thảo vẫn không làm việc đó mà vẫn giữ lại để tự mình ban hành. Khi luật có hiệu lực mới sang sửa lại nghị định, thêm cái này bớt cái kia sao cho có lợi nhất cho ngành mình, bộ mình...". Bởi vậy mà tồn tại những luật "ống" - luật khung chung chung. Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã từng nói: "Anh đưa cho tôi luật "ống", về sau tôi thì cầm "ống" còn "ruột" thì anh rút hết cả".

Theo thống kê của UBTVQH từ năm 2002 đến tháng 4.2005 cần 3.980 văn bản để quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, riêng Chính phủ cần ban hành 405 nghị định, chỉ thị... Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã phải nói trong phiên họp của UBTVQH rằng: "Luật mà phải hướng dẫn nhiều thì đó là luật "ống", đã luật "ống" thì phải hướng dẫn nhiều. Ta làm luật ít, lại là luật "ống", hướng dẫn lại lâu thì chết dân thôi!".

Làm luật kịp thời, hợp với thực tiễn, luật đi vào cuộc sống thì nó giải phóng sức sản xuất, ổn định xã hội, tạo điều kiện cho xã hội phát triển lành mạnh, khắc phục tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Cho nên khi luật còn bị "rút ruột" - còn là luật "ống", thì tất cả sẽ chậm lại, phát triển sản xuất sẽ chậm lại, khắc phục tiêu cực sẽ chậm lại...

Theo Đỗ Lê Tảo
Lao động

MỚI - NÓNG