Luật đã định rõ cơ chế từ chức

Luật đã định rõ cơ chế từ chức
Ông Trần Quốc Thuận - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nói luật đã qui định đầy đủ cơ chế để cách chức, cho từ chức một thành viên Chính phủ, nhưng vấn đề quan trọng là có ai thực hiện hay không.

- Khi đông đảo nhân dân đòi hỏi như thế và một Nhà nước do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, thì những người có trách nhiệm phải tự thấy trách nhiệm của mình.

Điều 87 Luật tổ chức Quốc hội qui định “người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, nếu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Lý do lớn nhất dĩ nhiên là trách nhiệm, không còn đủ uy tín để làm việc, kể cả uy tín về tư cách đại biểu Quốc hội. Một ông bộ trưởng và thứ trưởng cãi nhau, đổ lỗi cho nhau thì không thể chấp nhận được, rồi bao nhiêu việc quản lý tèm nhem như thế... nên tôi nghĩ đến lúc ông ấy phải tự quyết định.

Luật tổ chức Chính phủ, khoản 3, điều 20, chương III cũng qui định Thủ tướng Chính phủ có quyền trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác đối với phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Như vậy chuyện này bây giờ là trách nhiệm của Thủ tướng. Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng có thể “trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của các phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.

Rõ ràng, điều luật đã có qui định cách chức hoặc cho từ chức một thành viên Chính phủ, nghĩa là đã có cơ chế pháp lý để tiến hành.

Qui định như vậy nhưng tôi cho rằng tiêu chí lớn nhất là lương tâm, trách nhiệm. Đó là lòng tự trọng của mình. Có những người trách nhiệm chưa đến mức phải cách chức, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vì lòng tự trọng thì vẫn từ chức. Không phải có chức rồi anh cứ “ôm” đến hết nhiệm kỳ.

* Trong trường hợp bộ trưởng không làm đơn từ chức và Thủ tướng chưa trình Quốc hội cách chức bộ trưởng thì Quốc hội có thể lên tiếng được không?

- Điều 34 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội qui định “trong quá trình giám sát, nếu phát hiện người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đó”.

Nếu muốn bỏ phiếu tín nhiệm một thành viên Chính phủ, các ủy ban hoặc Hội đồng dân tộc phải họp lại để bỏ phiếu và 2/3 thành viên hội đồng dân tộc, ủy ban đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm thì mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trước Quốc hội. Nếu thành viên Chính phủ không nhận được số phiếu tín nhiệm quá bán thì Thủ tướng trình Quốc hội bãi miễn.

Ở đây (trường hợp ông Đào Đình Bình), tôi muốn nói đến trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế - ngân sách vì họ có trách nhiệm giám sát lĩnh vực này.

Ngoài ra còn hình thức trên 20% đại biểu Quốc hội đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm thì có thể thực hiện bỏ phiếu. Nhưng hình thức này ít khả thi.

* Bộ trưởng Đào Đình Bình còn là đại biểu Quốc hội, nếu Quốc hội muốn bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của ông Bình thì thực hiện như thế nào?

- Đây (ông Đào Đình Bình) là đại biểu do trung ương giới thiệu nên Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN phải họp để có ý kiến và bỏ phiếu. Nếu họ đồng ý (bãi miễn) thì đưa qua Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến.

Tôi cho rằng chuyện PMU18 như thế là sai phạm kéo dài chứ không phải sai phạm đột biến. Sai phạm kéo dài nằm ở phạm vi trách nhiệm khác nữa là trách nhiệm quản lý nhà nước. Có người nói rằng không những quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải mà còn của các ngành liên quan như tài chính, kế hoạch - đầu tư... vì vốn ODA là nơi Bộ Kế hoạch - đầu tư quản lý.

Tất nhiên người chủ trì trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải. Việc đó rõ như ban ngày rồi nên người chịu trách nhiệm cho việc này là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tôi nghĩ vấn đề này đang được đặt lên bàn những người có trách nhiệm nhất. Rõ ràng điều đó luật đã có rồi. Bây giờ có làm hay không là tùy thuộc những người có thẩm quyền.

* Nhiều người cho rằng từ chức đồng nghĩa với việc thừa nhận sai phạm?

- Từ chức chưa khẳng định sai phạm. Bãi chức mới khẳng định việc sai phạm. Từ chức có thể vì lý do sức khỏe hay lý do gì khác như mất uy tín, không đủ năng lực... Tôi rất ủng hộ ý kiến của chị Thu (bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 31-3), tức là không đủ tâm, đủ tầm thì nên thôi.

Những con người ở vị trí chính trị cao thì họ phải tự xét mình. Rõ ràng trách nhiệm đã thấy rõ, sai phạm đã thấy rõ, sai phạm nhiều năm... thì không thể đổ thừa từ thời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác.

* Có ý kiến không dễ gì từ chức khi người ta đã “chạy”...

- Người ta muốn nói đến việc “chạy chức, chạy quyền”. Trước đây, anh Mai Thúc Lân (nguyên phó chủ tịch Quốc hội) họp Trung ương Đảng chuẩn bị Đại hội IX, nghe người ta đồn có người “chạy chức” 1 triệu USD để vào Trung ương Đảng thì anh ấy bảo chuyện đó không bao giờ có. Nhưng khi đọc hồ sơ của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (hồ sơ ứng cử vào trung ương khóa IX) thấy ghi những chuyện xô xát trong tiệm rượu, quán ăn... thì anh ấy nói “hồ sơ như vậy mà vẫn đưa lên trung ương thì tôi nghĩ rằng những chuyện đó là có”.

Tôi nghĩ rằng khi con người không còn danh giá của con người nữa thì hãy coi chừng có thể họ sẽ làm bất cứ điều gì, sẽ gây tội ác...

* Xin cảm ơn ông.

 Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG