Xây dựng xưởng sản xuất cơ khí trong khu dân cư tại Hà Nội:

Luật hở, khổ dân, khổ doanh nghiệp

Luật hở, khổ dân, khổ doanh nghiệp
TP - Một xưởng sản xuất cơ khí đang được gấp rút xây dựng trong khu dân cư đông đúc đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương.

Trong đơn kêu cứu gửi báo Tiền phong, bà con phường Phúc Đồng, quận Long Biên (Hà Nội) lo ngại cơ sở này sẽ hình thành một “phường ung thư” giữa Thủ đô.

Luật hở, khổ dân, khổ doanh nghiệp ảnh 1

Người dân khu dân cư 918 đang bày tỏ bức xúc trong một buổi họp với BQL dự án Ảnh: Quý Hiên

Người dân lo sợ hình thành “phường ung thư”

Xưởng sản xuất cơ khí này do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật quản lý bay (TTDVKTQLB) trực thuộc Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam làm chủ đầu tư, hiện đang được xây dựng tại trạm thông tin đầu Đông sân bay Gia Lâm, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, diện tích 9.837,85m2.

Với chủ trương phát triển công nghiệp hàng không, nhiệm vụ của xưởng là thiết kế và tích hợp các sản phẩm dùng trong ngành hàng không như thùng biến áp cách ly, cột an toàn, thiết bị đèn hiệu, biển thông tin dẫn đường trong khu bay, băng chuyền tải, xe đẩy hàng hóa, v.v.. Mục tiêu trong tương lai là thay thế các sản phẩm nhập ngoại, tiết kiệm hàng tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.

Các hạng mục dự kiến xây dựng gồm nhà điều hành, nhà ăn, hội trường, kho nguyên liệu và thành phẩm, xưởng cơ khí và sơn tĩnh điện…

Hai phân xưởng cơ khí và sơn tĩnh điện là nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng gay gắt của các hộ dân khối 918 – nơi tiếp giáp với xưởng sản xuất cơ khí.

Bác sĩ Đồng Quốc Hẩm có nhà gần xưởng, bức xúc: “Chúng tôi rất lo lắng vì khi xưởng này đi vào sản xuất chắc chắn toàn bộ khu dân cư 1.000 dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiếng ồn, khí thải, nước thải và các hóa chất độc hại”.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Phó tư lệnh binh chủng Hóa học, nói: “Họ đã giải trình với chúng tôi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thỏa mãn với những giải thích này. Cả nước có nhiều làng ung thư, chúng tôi không muốn để xuất hiện thêm một phường ung thư ngay giữa Thủ đô”.

Doanh nghiệp: “Chúng tôi làm đúng”

Liên hệ với TTDVKTQLB, chúng tôi được ông Phạm Quốc Đạt - Trưởng ban quản lý dự án, cung cấp bản báo cáo đánh giá

 tác động môi trường (ĐTM). Theo bản báo cáo này, chỉ có một phương pháp chung cho việc xử lý bụi sơn và dung môi là dùng nguyên lý phun nước. Trong khi đó, dung môi độc hại bay lên không khí không thể được xử lý bằng phương pháp này.

Ngoài chi tiết cần xem xét trên, chúng tôi thu thập được đầy đủ văn bản pháp lý của các cơ quan liên quan cấp cho dự án như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, v.v… Đặc biệt là các văn bản của Sở TN-MT Hà Nội chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động.

“Không luật nào cấm doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất trong khu dân cư, đặc biệt khi doanh nghiệp này có đất tại đó, với điều kiện doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi trường, phòng chống cháy nổ v.v…

Trong quy chuẩn xây dựng của chúng tôi cũng có phần quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu dân cư” – Ông Nguyễn Ngọc Vinh, chuyên viên phòng Quản lý và cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BQL dự án nhiều lần họp với các tổ dân phố phường Phúc Đồng để giải trình các biện pháp đảm bảo môi trường. Tuy nhiên gần như 100% hộ dân ở đây vẫn chưa thỏa mãn và hoàn toàn không chấp nhận việc xây dựng khu sản xuất ở đây.

Luật hở: Khổ dân, khổ doanh nghiệp

Nguyên nhân dẫn đến mối bất hòa giữa dân và doanh nghiệp phải chăng chính là do lỗ hổng của Luật Bảo vệ môi trường?

Trong khi luật cấm xây mới các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm trong khu dân cư, thì các văn bản dưới luật lại không quy định rõ như thế nào thì bị coi là tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Ông Đạt quả quyết cơ sở của ông hoàn toàn không gây ô nhiễm. “Trong bản thiết kế ban đầu, xưởng còn có một phân xưởng mạ nhưng TP Hà Nội không cho phép nên không thực hiện.

Xưởng sơn tĩnh điện hoàn toàn khép kín và có xử lý toàn bộ bụi sơn và dung môi. Tiếng ồn cũng không đáng kể. Hơn nữa, đây là đất của chúng tôi và chúng tôi hoàn toàn có quyền xây ở đây.

Chúng tôi  đã làm đầy đủ các thủ tục và được sự chấp thuận của nhiều cơ quan liên quan.” – Ông Đạt nói.

Ngược lại, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, dân phường Phúc Đồng khẳng định, doanh nghiệp đã đi ngược lại luật pháp.

“Chúng tôi đều là những trí thức về hưu, hiểu luật pháp. Chúng ta đã phải trả giá đắt cho các làng ung thư Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An. Chúng tôi không thể để xuất hiện thêm một phường ung thư ngay giữa Hà Nội”. – BS Đồng Quốc Hẩm quả quyết.

Chương VI, điều 50, điểm 3 luật Bảo vệ môi trường “Cấm xây dựng mới cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm, sự cố môi trường trong đô thị, khu dân cư”.
MỚI - NÓNG