Luật hóa để người xin từ chức không gặp khó

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9 (ngoài cùng bên trái) xin bỏ qua lỗi đỗ xe trên vỉa hè nhưng ông Đoàn Ngọc Hải kiên quyết chỉ đạo lập biên bản.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9 (ngoài cùng bên trái) xin bỏ qua lỗi đỗ xe trên vỉa hè nhưng ông Đoàn Ngọc Hải kiên quyết chỉ đạo lập biên bản.
TP - Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên là bằng chứng sống động cho thấy “xin từ chức cũng không dễ”. Vì thế, đã đến lúc cần nghiên cứu để luật hóa việc từ chức, vốn được đề cập nhiều trong các văn bản, nghị quyết của Đảng.

Trong phiên thảo luận về xây dựng pháp luật tại Quốc hội mới đây, ông đã đề xuất luật hóa quy định về từ chức. Vì sao ông lại nêu đề xuất đó?

Trong báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 có phần nói về các nguyên tắc xây dựng luật, trong đó có nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Thực tế cho thấy, các nghị quyết được Trung ương ban hành thời gian qua rất đúng nhưng đưa vào cuộc sống lại chậm, vì chưa được luật hóa. 

Đơn cử như về vấn đề từ chức, tại nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề cập rõ yêu cầu: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

Hay Nghị quyết 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cũng đề cập đến việc chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, những nội dung trên, dù đúng nhưng để đi vào cuộc sống là không dễ. Nguyên nhân là do chưa được luật hóa. Do đó, để các quy định về từ chức đi vào cuộc sống, góp phần hình thành văn hóa từ chức thì bằng cách nào đó phải luật hóa được vấn đề đó.

Luật hóa để người xin từ chức không gặp khó ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Ở nhiều nước việc bộ trưởng, thủ tướng từ chức xảy ra thường xuyên nhưng ở ta thì lại rất hiếm. Lý do chính ở đây là gì? 

Chúng ta chưa có văn hóa, chưa có luật nên việc từ chức hiếm khi xảy ra, thậm chí có ý kiến còn nói rằng “muốn từ chức cũng không dễ”. Quan điểm, cách nhìn đối với việc từ chức hiện nay vẫn hết sức nặng nề; từ chức tức là “chết”, tức là chấm dứt luôn sự nghiệp chính trị. Trong khi đó, ở các nước việc từ chức thường xuyên xảy ra. Mới đây nhất, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Mexico đã xin từ chức vì để máy bay chờ hơn 30 phút. Nhưng ở ta những việc như thế chưa bao giờ xảy ra cả.

Vậy bây giờ chúng ta cứ ngồi đó để chờ văn hóa từ chức sẽ đến hay luật hóa nó ra? Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể cứ ngồi và chờ đợi văn hóa từ chức đến. Bởi chức vụ ở ta luôn đi kèm với quyền lợi nên mọi người mới gọi là chức quyền. Khi đã có chức, có quyền thì chẳng mấy ai từ bỏ những lợi ích từ cái chức đem lại. Hơn nữa, từ chức vẫn bị xem là chấm dứt sự nghiệp nên người ta càng sợ, càng không từ chức.

Vậy phải làm thế nào để không còn tình trạng “muốn từ chức cũng không dễ”, thưa ông?

Trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên là bằng chứng sống động nhất cho tình trạng “muốn từ chức cũng không dễ”.

Tại sao chúng ta không coi việc từ chức là chuyện bình thường, là văn hóa và hướng dẫn cách thức để người ta thực thi việc từ chức theo nguyện vọng. Theo tôi, nguyên nhân vẫn là chưa có luật. Nếu có luật thì cứ theo đó mà làm. Ví dụ, chỉ cần làm đơn gửi cho các cơ quan chức năng xin từ chức là được các cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận.

Hơn nữa, luật này không chỉ điều chỉnh với những người có khuyết điểm, vi phạm mà kể cả những cán bộ không có khuyết điểm, vi phạm. Ví dụ như trường hợp của anh Đoàn Ngọc Hải, không có trình độ về quản lý kinh tế xây dựng nhưng lại được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên là không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ thì anh có quyền xin từ chức.

Nếu anh Hải vẫn đảm nhận chức vụ tại doanh nghiệp và để xảy ra sai phạm, khuyết điểm thì những người bổ nhiệm có phải chịu trách nhiệm không? Đây là hệ lụy hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, theo tôi đã đến lúc nghiên cứu cách thức nào đó để luật hóa quy định từ chức cho phù hợp.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG