Luật sư công: Có hay không?

Luật sư công: Có hay không?
TP - Nếu như việc luật sư làm việc cho các tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước theo chế độ viên chức không được Ban soạn thảo và các đại biểu tán thành thì chế định luật sư công lại gây tranh cãi khi Quốc hội thảo luận dự án Luật về luật sư sáng qua (22/5). 

Ông Lê Minh Hồng (đại biểu Ninh Bình) không tán thành việc đưa vào trong dự thảo luật chế định luật sư công (tức là luật sư nằm trong biên chế, làm việc cho các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước).

“Việc này không phù hợp với nghề luật sư, tức là nghề cung cấp và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng, do đó giữa khách hàng và luật sư có những hoạt động riêng tư theo thỏa thuận của họ”- Ông Hồng lý giải.

“Không thực hiện chế độ luật sư công thì không phải là gây khó khăn cho luật sư mà chính là hạn chế hoạt động của Nhà nước chúng ta”- Nguyên Bộ trưởng Tư pháp, ông Nguyễn Đình Lộc (đại biểu TP HCM) đáp lại.

Ông Lộc lập luận rằng một loạt hoạt động của bộ máy Nhà nước rất cần đến luật sư và không phải cứ mỗi lần như thế phải ký một hợp đồng lao động mà chính trong hoạt động thường xuyên của họ phải có mặt của luật sư.

Ông Lộc cho biết ở nhiều nước đã có chế định luật sư công và điều đó tạo thuận lợi rất nhiều trong các hoạt động của bộ máy Nhà nước. Không một ông thủ trưởng hoặc phụ trách văn phòng cơ quan nào lại có thể nắm hết luật của một nước.  

Chúng tôi xin đề cập đến những điều cấm xem cấm đã hết chưa? Tôi cho rằng ở đây cấm chưa hết. Trong hoạt động luật sư, tôi nghe được nhiều anh em đã thổ lộ tâm sự rằng: “Hiện nay chúng tôi đang phải đứng trước hai chữ C, “Cãi” hay là “Chạy”? Có người kết hợp “cãi” và “chạy”, có người ưu tiên cho “cãi” nhưng có người lại muốn ưu tiên cho “chạy”.

Vì trên thực tế có những đường dây chạy án mà luật sư  đóng vai trò là người móc nối. Điều đó cấm như thế nào đây? Trong dự thảo luật thể hiện chưa rõ. Chúng tôi đề nghị cân nhắc và tham khảo đưa vào. Tất nhiên để chạy được không chỉ bản thân luật sư tiêu cực mà các cơ quan tư pháp của chúng ta cũng có nhiều tiêu cực.

Vì thế họ đồng tình với nhau và tạo ra một đường dây chạy suốt từ địa phương đến Trung ương. Đây là một vấn đề cần quan tâm để chống cái gọi là tham nhũng hiện nay- một tệ nạn mà người dân rất bức xúc.

 Ông Nguyễn Đình Lộc, đại biểu TP HCM

MỚI - NÓNG