Luật sư luôn đứng trước hai chữ “C”!

Luật sư luôn đứng trước hai chữ “C”!
Sáng nay 22-5, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, đã thẳng thắn tâm sự với báo chí về một thực trạng hết sức buồn, đó là việc có rất nhiều luật sư hiện nay luôn đứng trước hai chữ “C”, nghĩa là Chạy hay Cãi!
Luật sư luôn đứng trước hai chữ “C”! ảnh 1

Theo ông Lộc, thực tế đã xảy ra không ít trường hợp luật sư vòi tiền của thân chủ một cách quá đáng, hoặc gợi ý đưa tiền để “Chạy” ! Đó là một hành vi tiêu cực cần bị lên án mạnh mẽ. Luật sư là “Thầy Cãi”, đáng ra anh phải bảo vệ thân chủ trên cơ sở của luật pháp, trước toà cũng phải có trách nhiệm góp phần đắc lực vào việc bảo vệ công lý.

Ông Lộc cho rằng, luật sư luôn đứng trước hai chữ “C”, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nói rằng dân trí của ta thấp thì chưa hẳn, nhưng có một thực tế ở ta người dân vẫn chưa quen với công việc luật sư.

Thứ hai là tâm lý cán bộ tư pháp nói chung cũng chưa dễ dàng chấp nhận việc có mặt của luật sư trong công việc của họ. Cả một thời gian dài chúng ta đã quen với việc điều tra cứ điều tra, khởi tố cứ khởi tố, bây giờ tự nhiên có ông luật sư vào sẽ khiến họ khó chịu.

"Khắc phục tâm lý này thật không đơn giản chút nào. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị lại phải ghi rõ: Toà án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phải có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.

Nghị quyết này cũng nói rất rõ về việc thực hiện quá trình tranh tụng tại toà án, tranh tụng ở đây là tranh tụng giữa viện kiểm sát với luật sư. Đây được xem là một bước tiến rất dài của pháp luật tố tụng Việt Nam. Nếu trước đây viện kiểm sát chỉ việc đọc cáo trạng, rồi ngồi đó coi như mọi việc giao hết cho toà, thì bây giờ phải trực tiếp tranh tụng với các luật sư về chính những ý kiến, nhận định do mình nêu ra (những chứng cứ buộc tội).

Một nguyên nhân nữa cũng cần phải nhắc tới, đó là trình độ chuyên môn cũng như về lực lượng luật sư ở ta còn non kém và thiếu nhiều quá, từ 2001 đến nay chúng ta mới chỉ đào tạo khoảng hơn 1000 luật sư (kế hoạch là đào tạo 18 nghìn), như vậy tính ra khoảng 23 nghìn dân mới có một luật sư. Trong khi đó, ở Mỹ tỷ lệ là 1/250 người dân, Singapore khoảng 1/1000.

Cũng phải thừa nhận một điều, ở Việt Nam, không ít trường hợp tranh tụng trước toà, có luật sư cãi rất hăng, lập luận khá chặt chẽ và thuyết phục, nhưng điều đó có ý nghĩa nhiều hay ít đối với việc bảo vệ cho thân chủ, lại phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của hội đồng xét xử, của thẩm phán chủ toạ phiên toà.

Điều này có nguyên nhân sâu xa từ phía tâm lý của những người tiến hành tố tụng, đó là tâm lý chưa quen với việc tham gia tranh tụng của các luật sư. Nếu như tôi là điều tra viên, hay là kiểm sát viên, tôi cũng không muốn luật sư vào sớm làm gì, đó là điều dễ hiểu, nếu chúng ta xem xét vấn đề ở khía cạnh tâm lý của con người.

Nhưng nói thế nào thì luật pháp vẫn là luật pháp, và trách nhiệm của chúng ta phải xây dựng luật, tạo ra hành lang pháp lý, những quy định để xoá bỏ, khắc phục những “trạng thái tâm lý” không còn phù hợp." - ông Lộc phát biểu.

Theo Nhân Dân

MỚI - NÓNG