Luật sư Mỹ:Nạn nhân da cam VN phải được bồi thường

Luật sư Mỹ:Nạn nhân da cam VN phải được bồi thường
Mục đích của chúng tôi là nỗ lực hết sức để lật ngược lại phán quyết của tòa sơ thẩm mà chúng tôi cho rằng là chưa đúng đắn, ông Jonathan Moore, Trưởng đoàn Luật sư Mỹ đã nói như vậy tại Hà Nội ngày 17/9.

Ông Jonathan Moore dẫn đầu đoàn Luật sư Mỹ sang Việt Nam làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) từ ngày 13 đến ngày 18/9, để góp ý cho văn bản tranh tụng vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất diệt cỏ có chứa chất độc dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Văn bản này sẽ được nộp lên Tòa phúc thẩm vào ngày 30/9 tới.

Ông có thể cho biết cụ thể hoạt động của các ông trong chuyến sang làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Luật sư Mỹ:Nạn nhân da cam VN phải được bồi thường ảnh 1
Nỗi đau da cam vẫn còn hiển hiện

Trong chuyến đi 5 ngày này, chúng tôi đã làm việc với các luật sư và lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để chuẩn bị và hoàn tất một văn bản tranh tụng tốt nhất, sẽ được nộp lên tòa phúc thẩm sắp tới ở New York. Mục đích của chúng tôi là nỗ lực hết sức để lật ngược lại phán quyết của tòa sơ thẩm mà chúng tôi cho rằng là chưa đúng đắn. Chúng tôi hoàn tòan tin rằng chúng tôi có khả năng thuyết phục ở mức độ cao nhất đối với tòa phúc thẩm lần này là tại sao vụ án này phải được đi tiếp và điều này không những chỉ quan trọng đối với người dân Việt Nam mà với tất cả những người trên thế giới, những người quan tâm đến công bằng, công lý và quan tâm đến luật pháp quốc tế về nhân quyền.

Kết quả lớn nhất là ngày hôm nay, chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ với Hội nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi đã cùng thảo luận rất thẳng thắn, cởi mở, chân thành với các đồng nghiệp của mình ở VAVA. Họ đã cung cấp những thông tin có giá trị và động viên, khuyến khích chúng tôi trong công việc sắp tới. Mặc dù là cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc và đã có những kết luận về chiến tranh đó nhưng hậu quả của cuộc chiến vẫn còn dai dẳng cho đến tận hôm nay. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những cơ hội để chúng tôi khắc phục những hậu quả đó.

Theo ông, lý luận quan trọng cũng như những bằng chứng thuyết phục nào sẽ được đưa ra trong văn bản tranh tụng?

Lý lẽ mạnh nhất của chúng ta phải chứng minh cho tòa phúc thẩm thấy là các bị đơn không sử dụng chất diệt cỏ thông thường mà là chất diệt cỏ có chứa chất độc, ở một nồng độ theo như tòa sơ thẩm nói là 10pp.m tức là 10 phần triệu là mức có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế mức đó  rất cao, có thể gây hại đến hàng triệu người và không chỉ là những người dân Việt Nam mà còn cả những cựu chiến binh Mỹ, những người mà trong một vụ án trước đây đã được bồi thường và nếu tính tổng bồi thường thì con số đó có thể lên tới hàng tỷ đô la.

Điểm mạnh thứ hai là chúng ta có thể chứng minh cho tòa thấy các công ty hóa chất có thể sản xuất chất diệt cỏ ở nồng độ có thể hạ thấp được xuống, thậm chí không có mặt chất độc đó trong sản phẩm của họ. Chính phủ Mỹ không đặt hàng loại chất diệt cỏ có độc tố như vậy mà chính phủ Mỹ đặt hàng loại chất diệt cỏ không gây hại đối với sức khỏe con người, do vậy bản thân hành động đó của các bị đơn là đã vi phạm luật pháp quốc tế cụ thể là luật tập quán quốc tế đã có từ thời điểm đó. Đây không phải là sự hồi tố mà ngay tại thời điểm đó, các bị đơn đã biết sản phẩm của mình không cần và không được có những độc tố như vậy.

Không chỉ dựa trên lý lẽ các công ty hóa chất Mỹ phải tuân thủ Nghị định thư Giơ ne mà chúng tôi còn dựa trên một loạt Công ước quốc tế khác, ngay kể cả tập quán, luật pháp quốc tế lúc bấy giờ. Chúng tôi còn có lý lẽ khi Chính phủ Mỹ tham vấn với các luật sư để sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam thì cũng đã có kiến nghị là chỉ có thể sử dụng chất diệt cỏ mà không vi phạm luật pháp quốc tế khi nó không gây hại cho người. Nhưng chất diệt cỏ của quân đội mỹ sử dụng không phải là chất diệt cỏ đơn thuần diệt các loại thực vật mà nó thực sự gây hại cho con người.

Một thực tế là trong thời gian chiến tranh, thời điểm quyết định sử dụng chất diệt cỏ, đã có hàng loạt các nhà khoa học, trong đó có rất nhiều người đoạt giải Nobel và thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ đã phản đối quyết định này của Chính phủ. Đó là bằng chứng rất mạnh mẽ cho chúng ta.

Tôi cho rằng chúng ta đang có lý lẽ rất mạnh mẽ và nếu như những người hiểu biết về sự bình đẳng và công lý chắc chắn đồng ý với chúng ta rằng những nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc này sẽ phải được bồi thường và đất đai phải được tẩy độc. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi phải làm cho các lý lẽ phải sắc sảo và mạnh mẽ ở mức có thể.

Ông có thể cho biết thời hạn nộp văn bản tranh tụng và thẩm phán của phiên tòa phúc thẩm sẽ là ai?

Văn bản tranh tụng đầu tiên sẽ được nộp vào ngày 30/9 và các bị đơn sau đó sẽ có cơ hội để có văn bản trả lời vào ngày 16/1/2006. Sau đó sẽ có văn bản tranh tụng trả lời của chúng ta cuối cùng vào ngày 1/3/2006 và phiên tranh tụng có thể được diễn ra vào cuối tháng 4/2006.

Ở tòa phúc thẩm sẽ không chỉ có 1 thẩm phán như ở tòa sơ thẩm, mà sẽ có 3 vị thẩm phán và sẽ không biết thông tin là những vị thẩm phán đó sẽ là ai cho đến trước phiên tranh tụng khoảng 1 tuần. Chúng tôi đã thất vọng với phán quyết của tòa sơ thẩm. Tập trung lớn nhất của chúng tôi vẫn là vào lý lẽ và những chứng cớ mà mình có thể đưa ra và chúng tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thế mạnh để có khả năng chiến thắng cao ở tòa phúc thẩm.

Nếu phán quyết của tòa phúc thẩm có bất lợi cho phía nguyên đơn thì liệu các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam có còn cơ hội để đòi lại quyền lợi của mình?

Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ bị thua nhưng nếu giả sử có bị thua, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vụ kiện này lên tòa  án Tối cao và hy vọng rằng ở tòa án Tối cao công lý sẽ được đưa lại cho người dân Việt Nam và tòa án tối cao sẽ khẳng định việc sử dụng chất diệt cỏ vào thời điểm chiến tranh đó là vi phạm luật pháp quốc tế.

Chúng tôi sẽ nhắc lại những thiệt hại do chất diệt cỏ có chứa dioxin gây ra, tái khẳng định hậu quả đối với sức khỏe con người và khẳng định đây không phải là vấn đề phơi nhiễm vô tình, một vấn đề nhỏ với một số người nào đó, mà đây là sự phơi nhiễm của rất nhiều người, tác động lên đất đai và môi trường xung quanh trong thời gian dài. Chúng tôi phải làm cho tòa phúc thẩm hiểu rõ quy mô thiệt hại khi bị phơi nhiễm với dioxin ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.