Luật Thủ đô không nên chạy theo Đại lễ 1.000 năm

Luật Thủ đô không nên chạy theo Đại lễ 1.000 năm
TP - UBTV Quốc hội thống nhất đưa dự án Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính thức năm 2010, tuy nhiên đề xuất thông qua dự án luật này trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng qua.

Luật Thủ đô không nên chạy theo Đại lễ 1.000 năm ảnh 1
Một góc Hà Nội - Ảnh: Hồng Vĩnh

Có luật để chào mừng?

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, do tính chất quan trọng của dự án luật, tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập ban soạn thảo và đã xây dựng đến dự thảo lần 3.

Ban soạn thảo đang nỗ lực hoàn thiện nội dung và bảo đảm các thủ tục, điều kiện để trình Quốc hội xem xét. “Nếu đã được chuẩn bị kỹ thì thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2010)”- Ông Cường mong muốn.

Ngày 20-5, khai mạc kỳ họp thứ bảy

Sáng qua, trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII.

 Dự kiến, kỳ họp này khai mạc ngày 20-5, kết thúc ngày 2-7. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến đối với 14 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết.

Đại diện Chính phủ cho rằng, việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và tinh thần đối với đất nước và là cơ sở quan trọng để xây dựng Thủ đô.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tiến độ chuẩn bị dự thảo luật còn chậm, đến nay cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật và những tài liệu liên quan.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xem xét thông qua luật này tại một kỳ họp Quốc hội là không khả thi.

Ngoài ra, một số nội dung trong dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Ví như, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo luật quy định Chính quyền Hà Nội có quyền chủ động đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để ban hành quy định có nội dung mới, khác hoặc trái với quy định của T.Ư, trừ quy định của Hiến pháp.

Về ngân sách, ngoài tỷ lệ thưởng chung đối với các khoản tăng thu so với dự toán T.Ư giao, Hà Nội được sử dụng 100% số tăng thu còn lại, kể cả thu lĩnh vực xuất nhập khẩu để đầu tư cho phát triển. Trong khi theo Luật Ngân sách Nhà nước thì Chính phủ chỉ quyết định trích thưởng với tỷ lệ không quá 30% cho địa phương.

Hà Nội cũng xin một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô như có cơ quan cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng…Tuy nhiên “đây là những nội dung lớn cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu và thảo luận kỹ”- người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Không nên chạy theo Đại lễ

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật và cho rằng, khi xây dựng luật cần xem xét tới Hiến pháp, bởi Hiến pháp không có quy định nào riêng cho Thủ đô.

Ông Vượng cho rằng, muốn xây dựng luật này thì phải bổ sung quy định cụ thể trong Hiến pháp, chứ đừng để như Pháp lệnh Thủ đô, ban hành từ năm 2000 nhưng không đi vào đời sống được vì không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước thẳng thắn: “Chúng ta không nên chạy theo ngày 10-10-2010 để làm luật. Cần rút kinh nghiệm của việc mở rộng Thủ đô trước đây”.

Tán thành ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai bày tỏ: “Quá trình chuẩn bị Luật Thủ đô rất cập rập, vì thế tôi đề nghị thông qua trong 2 kỳ họp để bảo đảm hơn”.

Giải trình trước những băn khoăn của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo luật đã được chuẩn bị rất tích cực và có một số thay đổi. So với dự kiến ban đầu, dự thảo luật đã rút từ 56 điều xuống còn 33 điều.

Trước khi nghỉ Tết, ban soạn thảo sẽ gửi dự thảo luật lấy ý kiến các bộ, ngành. Ban soạn thảo sẽ lấy đủ ý kiến đóng góp và hoàn chỉnh dự thảo để Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 3-2010, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4-2010.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Thủ đô có ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là giải quyết cơ chế chính sách để phát triển Thủ đô sau khi mở rộng.

Do vậy, tinh thần là xem xét thông qua dự án Luật Thủ đô tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2010. Trường hợp, đưa ra Quốc hội mà còn có những ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao thì mới để lùi đến kỳ họp thứ tám thông qua.

“Một số nội dung trong luật này chưa phù hợp với Hiến pháp nhưng thấy cần thiết và hợp lý thì vẫn có thể đưa vào luật” - Ông Lưu nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.