Luật Trưng cầu ý dân: Ý kiến người dân phải có giá trị quyết định

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trưng cầu ý dân là cơ sở để Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: Nhan Sáng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trưng cầu ý dân là cơ sở để Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: Nhan Sáng.
TP - “Việc trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định và khi đã trưng cầu ý dân thì ý kiến của dân phải có giá trị quyết định”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ngày 25/2.

Ngày 25/2, thảo luận dự án Luật Trưng cầu ý dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần tạo điều kiện để thực hiện quyền trưng cầu ý dân, làm rõ trách nhiệm công dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc trưng cầu ý dân; đồng thời, cần tránh để bị lợi dụng, làm rối tình hình.

Dự thảo luật quy định, trưng cầu ý dân là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, bởi quyền trưng cầu ý dân đã được Hiến pháp quy định và cũng là đòi hỏi trong thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền; trên thế giới đã có 167 quốc gia có Luật Trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc trưng cầu ý dân là cơ sở để QH quyết định một vấn đề quan trọng nào đó. Kết quả trưng cầu ý dân cần công khai, minh bạch trước QH để đại biểu QH có thông tin tham khảo trước khi bỏ phiếu. Tuy nhiên, khi trưng cầu ý dân thì kết quả đó phải chính là ý chí của dân. Luật phải quy định để việc trưng cầu ý kiến không bị tác động, không bị vận động chống, hay ủng hộ đối với vấn đề đưa ra trưng cầu dân ý. Kết quả phải trúng ý dân, nếu không quy định chặt chẽ sẽ rất nguy hiểm. Cũng theo Chủ tịch QH, cần xác định rõ loại việc đưa ra trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân, những vấn đề nào được trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước hay khu vực.

 

Ai được đề nghị trưng cầu ý dân?

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trình 2 phương án: Phương án 1 gồm Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 bao gồm các chủ thể như phương án 1, mở rộng thêm một số chủ thể khác như Mặt trận Tổ quốc. Báo cáo thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: Trưng cầu ý dân là một trong những hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được QH thảo luận và cân nhắc kỹ khi xem xét, thông qua Luật Tổ chức QH, xác định rõ: “QH quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH” (khoản 1 Điều 19). “Để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức QH, đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1 của dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lại cho rằng, nên cân nhắc quy định cá nhân đề nghị trưng cầu ý dân tại dự thảo. Theo ông Sơn, không nên quy định chủ thể được đề nghị trưng cầu ý dân là cá nhân do đây là vấn đề rất nhạy cảm và cần phải giải trình thuyết phục. Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, để cá nhân có quyền đề xuất trưng cầu ý dân, dù chức vụ đến đâu cũng không hay, vì có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị. Chỉ nên quy định chủ thể được đề nghị trưng cầu ý dân là tập thể.

Trưng cầu ý dân vấn đề quốc gia đại sự

Về những vấn đề được trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trình 2 phương án: Phương án 1 quy định có tính khái quát, nguyên tắc, còn phương án 2 liệt kê cụ thể hơn những vấn đề QH có thể đưa ra trưng cầu ý dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, để xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân ngay trong luật là rất khó, còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại mỗi thời điểm nhất định và quyền quyết định của QH. Mặt khác, Hiến pháp và Luật Tổ chức QH cũng chỉ quy định thẩm quyền QH quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định cụ thể những việc nào phải trưng cầu ý dân. “Do vậy, các ý kiến này tán thành với Phương án 1 chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân, đó là: Vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào đó, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể”, ông Lý cho hay.  

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần quy định tiêu chí cụ thể vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung rất khó thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề quốc gia đại sự, không nên trưng cầu ý dân những vấn đề mang tính khu vực, cục bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý: “Điều kiện trình kiến nghị trưng cầu ý dân khác với việc lấy ý kiến người dân ra sao phải làm rõ. Đó phải là yêu cầu mang tính bắt buộc, có xung đột lợi ích, vấn đề còn tranh luận. Thực tế, nhiều nước không quy định trưng cầu ý dân đối với những vấn đề liên quan đến quyền lực nhà nước, ngân sách...”.

Đừng tự làm rối mình

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, mặt tốt của trưng cầu ý dân là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp, nhưng nếu quy định không khéo, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào thế bất ổn, tự làm rối thêm tình hình. “Việc trưng cầu ý dân năm 1946 rất khác so với bây giờ, do đó phạm vi, chủ thể trưng cầu ý dân cần cân nhắc, tránh để cục bộ, địa phương. Trưng cầu nhằm thăm dò ý dân, trên cơ sở đó QH sẽ có quyết định. Kết quả trưng cầu chỉ có hiệu lực sau khi QH đã biểu quyết”, ông Phước góp ý thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, cần quy định rõ hơn tại dự thảo, báo chí được tham gia vào quá trình kiểm phiếu để giám sát kết quả trưng cầu ý dân.

Trưng cầu ý dân trên thế giới

Hiến pháp Philippines chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung thông qua trưng cầu ý dân cấp quốc gia. Trưng cầu ý dân cấp địa phương quyết định việc thay đổi địa giới hành chính khu tự trị, tỉnh, thành phố, thị trấn, làng xã, bao gồm tạo mới, sáp nhập, nâng cấp các đơn vị quản lý địa phương…

Hiến pháp Áo quy định 2 loại trưng cầu ý dân ở cấp liên bang: bắt buộc, có tính ràng buộc, phải thực hiện (như quyết định việc có hay không bãi chức tổng thống trước khi hết nhiệm kỳ, thay đổi toàn diện hiến pháp) và không bắt buộc. Áo đã trưng cầu dạng không bắt buộc đối với vấn đề điện hạt nhân (năm 1978) và cưỡng bách tòng quân (năm 2013).

Ở Đan Mạch, sau khi một luật được Quốc hội thông qua, 1/3 số nghị sĩ có thể yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân (không áp dụng với luật liên quan chi tiêu, sung công). Đan Mạch trưng cầu ý dân mỗi khi có hiệp ước mới của Liên minh châu Âu được phê chuẩn.

Mỹ thực hiện trưng cầu ý dân thường xuyên ở cấp bang, cấp địa phương, thường là để đảo ngược đạo luật đã được thông qua. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không có điều khoản về trưng cầu ý dân ở cấp liên bang.

Lần trưng cầu ý dân đầu tiên ở Costa Rica diễn ra vào ngày 7/10/2007, nhằm tán thành hoặc phản đối hiệp định thương mại tự do với Trung Mỹ, Dominica và Mỹ. Kết quả là 51,62% tán thành. Đến nay, đây vẫn là hiệp định thương mại tự do duy nhất trên thế giới được phê chuẩn thông qua trưng cầu ý dân.

New Zealand tổ chức trưng cầu ý dân nhiều lĩnh vực như chính sách quản lý rượu mạnh, các vấn đề liên quan hiến pháp… Tuy nhiên, việc thành lập Tòa án Tối cao có thể được thực hiện mà không cần trưng cầu ý dân…  

Thu Loan - Thái An (tổng hợp)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.