Luật về hội cần điều chỉnh chung cho tất cả các hội

Luật về hội cần điều chỉnh chung cho tất cả các hội
TP- Điểm mấu chốt nhất của dự thảo Luật về hội là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng gần như đã có lối ra khi các vị ĐBQH chuyên trách góp ý cho dự thảo luật này hôm qua (23/8).

Do đây là vấn đề không dễ tạo được sự thống nhất nên Ban soạn thảo đã đưa ra tới 3 phương án.

Trong đó, phương án 1 quy định Luật này quy định về tổ chức hoạt động của hội và quản lý Nhà nước về hội có tư cách pháp nhân; phương án 2 có quy định MTTQ Việt Nam hoạt động theo quy định Luật MTTQ Việt Nam và phương án 3 nêu rõ  MTTQ và 5 đoàn thể chính trị - xã hội khác (gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Ban soạn thảo, quy định ở phương án 1 là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của hội ở nước ta hiện nay.

“Tôi tán thành phương án 1 bởi lẽ không nên liệt kê những tổ chức không thuộc diện áp dụng luật này trong văn bản luật. Hơn nữa, MTTQ Việt Nam và 5 đoàn thể chính trị - xã hội nói trên vừa có tính chất như một hội lại có một số đặc điểm khác hội - Ông Mai Anh (ĐB Khánh Hòa) lên tiếng.

Trong khi khá nhiều ĐBQH đồng tình với đối tượng điều chỉnh của dự thảo là các hội có tư cách pháp nhân thì ông Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội lại đề nghị cần phải tạo quy định chung cho tất cả các hội.

“Ban đầu người ta chưa có tư cách pháp nhân nhưng sau đó, hội nào có số lượng hội viên rất lớn mới đăng ký tư cách pháp nhân, thì rất dễ tạo sơ hở trong quản lý Nhà nước”- Ông Khải phân tích. Theo ông Khải, trong luật cũng phải có quy định rõ về việc hội phát triển đến một quy mô nào đó thì phải đăng ký tư cách pháp nhân.

Hôm nay (24/8), các vị ĐBQH chuyên trách tiếp tục góp ý cho dự thảo Luật về hội trước khi dự thảo luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.    

MỚI - NÓNG