Sài Gòn- chuyện tử tế - Bài 2:

'Lục Vân Tiên' thời nay

Ông Nguyễn Văn Ra không từ bỏ công việc thầm lặng bắt trộm, cướp của mình dù trên người đầy thương tích.
Ông Nguyễn Văn Ra không từ bỏ công việc thầm lặng bắt trộm, cướp của mình dù trên người đầy thương tích.
TP - Bất chấp dọa dẫm, trả thù, hơn chục năm nay hai ông vẫn bắt cướp, chống lại cái ác, bảo vệ sự bình yên cho mọi người…

Hiệp sĩ xe ôm

Mới trở lại hành nghề xe ôm sau gần 5 tháng nằm viện điều trị vết thương khi truy đuổi hai tên cướp trên đường, ông Nguyễn Văn Ra (SN 1961, ngụ quận Thủ Đức), đau đáu khi hay tin trộm cướp vẫn lộng hành. “Mới hôm tết vừa rồi, ra chạy khai trương tại bến xe trên đường Tô Vĩnh Diện, quận Thủ Đức thì phát hiện hai tên cướp giật túi xách một sinh viên. Do mới nằm viện chưa thật phục hồi sức khỏe nên tui đuổi theo bắt được một tên và tôi bị té ngã. Tiếc là, tên còn lại trốn thoát” - ông Ra kể và chỉ xuống chân còn băng bó.

Từ ngày trung tâm thương mại Vincom Thủ Đức mở ra ở đầu đường, bọn trộm, cướp giật “bu” đến kiếm cơ hội “ăn hàng” nên ông Ra càng có nhiều việc để làm. Nhưng từ hôm nằm viện sức khỏe xuống nhiều, nên nhiều khi lực bất tòng tâm khi gặp cướp. Ông Ra kể, hơn 15 năm làm nghề chạy xe ôm ở khu vực này, giờ không nhớ đã bao nhiêu lần phóng xe đuổi bắt bọn trộm, cướp trên đường. “Nhiều lắm! Làm sao nhớ hết!” - ông nói. Một trong số những lần đó khiến ông đối mặt với cái chết khi bị chống trả, đạp té xe phải cấp cứu.

Đi lên từ nghèo khó, gia sản chủ yếu là chiếc xe máy chạy xe ôm, ông quý nó vô cùng. Ông nghĩ, họ cũng quý tài sản như mình nên khi bị trộm cướp lấy đi, người ta khóc ròng khiến ông không thể cầm lòng. Sự đồng cảm, căm ghét cái xấu cái ác ấy thôi thúc ông chấp nhận hiểm nguy để dấn thân hành hiệp. Chính sự trượng nghĩa, gan dạ đó, ông được người dân xóm phố yêu thương nể phục.

“Đời người sống chỉ một lần nên sống sao cho có ích, ráng làm được gì tốt cho xã hội thì làm. Thấy mấy thằng trộm, cướp nó nhởn nhơ ngoài đường thì mình không thể đứng nhìn được”.

Ông Nguyễn Văn Ra

Nói đến những lần bị thương khi đuổi trộm, cướp, ông Ra không quên trưa 14/6/2015. Lúc này, ông ngồi đón khách trên đường Tô Vĩnh Diện quận Thủ Đức. “Lúc ấy tôi nghe tiếng truy hô báo cướp giật của một phụ nữ, đồng thời thấy một thanh niên chạy xe máy với tốc độ cao ra đường Võ Văn Ngân. Đoán đó là thủ phạm, tôi lao xe phóng theo, truy hô”-ông kể. Chạy gần 5km đến chợ Thủ Đức, ông áp sát được thanh niên này nhưng bị hai thanh niên khác từ phía sau trờ tới cản trở. Khi đến đường Kha Vạn Cân – Hoàng Diệu thì hai thanh niên này đuổi theo kịp, chúng đạp ông ngã xuống đường bất tỉnh. Mọi người đưa ông vào viện cấp cứu với thương tích đầy người, tràn khí dịch phổi, gãy 5 xương sườn, xương đòn và xương vai. Phải hơn 5 tháng sau, ông mới ra viện. Một lần chết đi sống lại vì hành hiệp trượng nghĩa nhưng ông không nản chí, chùn bước, run sợ.

Vợ con ông lo và thương khi ông đeo cái nghiệp “thấy chuyện bất bình chẳng tha” đầy nguy hiểm. Ông nói, nhiều lần, gia đình ông bị bọn xấu đến hăm nạt, thậm chí ném đá vào nhà. Nhưng ông quan niệm: “Đời người sống được một lần nên sống sao cho có ích, ráng làm được gì tốt cho xã hội thì làm. Thấy mấy thằng trộm, cướp nó nhởn nhơ ngoài đường mình không thể đứng nhìn được”.

Ông Tranh “loa” phường

Cũng máu lửa như ông Ra trong đấu tranh với bọn tội phạm, nhưng ông Phạm Văn Tranh (SN 1947, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) chọn công việc phù hợp với bản thân: Dùng chiếc xe “cà tàng” mua từ vựa phế liệu của mình đi đến các ngóc ngách phố phường tuyên truyền phòng chống tội phạm.

Chiều cuối tuần, chúng tôi được dịp ngồi trên chiếc xe ô tô cà tàng ấy của ông đi dọc các con hẻm, khu trọ, chợ búa phát loa tuyên truyền phòng chống tội phạm và cháy nổ trong mùa khô.

Chứng kiến một phụ nữ chừng 50 tuổi đi qua xe ông nhét tờ giấy vo tròn vào tay ông rồi đi, không nói lời nào. Chúng tôi ngạc nhiên, ông bảo: “Đây là giấy báo tin tội phạm của người dân, họ sợ bị trả thù nên không dám trực tiếp đi báo công an mà ghi tờ giấy đưa mình. Lâu rồi thành quen, gần chục năm nay nhờ những tờ giấy báo án ấy mà công an thêm thông tin, căn cứ phá án”.

Nói về chiếc xe của mình, ông Tranh cho biết dù đam mê xe cổ từ lâu nhưng đến năm 2005, mới mua được chiếc ô tô La Dalat ở vựa phế liệu với giá… 3 triệu đồng. Ông mua vỏ xe về rồi đi khắp nơi tìm mua phụ tùng về thuê thợ lắp ráp. Đến năm 2007, trước tình hình tội phạm cướp giật, trộm cắp ngày càng tăng lúc này đang là tổ trưởng dân phố, ông day dứt và nảy ra sáng kiến tuyên truyền thông tin cho bà con cảnh giác đề phòng và cùng nhau chống tội phạm.

'Lục Vân Tiên' thời nay ảnh 1

Ô tô tự chế của ông Phạm Văn Tranh đi dọc các con hẻm, khu trọ, để tuyên truyền phòng chống tội phạm và cháy nổ. Ảnh: Ngô Bình

Ý tưởng của ông được trưởng Công an khu dân cư ủng hộ. Ông về nhà tìm mua hai chiếc loa, dàn âm thanh chạy bằng đĩa hiện thực hóa ý tưởng. “Lúc mình mới đi phát loa có nhiều người phản ánh vì nhà có người già, âm thanh quá lớn khiến các cụ không chịu nổi. Lần sau rút kinh nghiệm, đậu xe xa các gia đình có người già phát chung cho mọi người nghe. Một thời gian sau, cứ đến giờ phát loa là dân phố mang ghế ra trước nhà ngồi nghe”, ông Tranh hồ hởi kể.

Việc chạy xe ô tô đi phát loa tuyên truyền tưởng dễ nhưng theo ông cũng không ít gian truân. Ngày “vào nghề” chưa có kinh nghiệm, mình lấy bình ắc quy xe làm nguồn điện để phát loa. Được một lúc thì bình hết, xe không làm sao nổ được phải nhờ dân đẩy một đoạn thật dài mới tìm được tiệm sửa. “Lúc trời nắng còn đỡ, vào những ngày trời mưa, nước ngập lên đến nửa xe mới khổ”, ông Tranh cho biết.

Mỗi khi nghe người dân báo nơi nào có tội phạm là ông chạy xe đến ngay. Tội phạm loại gì ông có bài tuyên truyền về loại đó. Nhiều lần bọn giang hồ hù dọa, thậm chí dùng vật nhọn tấn công nhưng ông không nản.

Tuổi 70, gần 10 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng khi được hỏi khi nào ông “nghỉ hưu”, ông đáp liền: “khi nào tôi không đi được nữa thì lúc đó tôi mới nghỉ”.

            ___________

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG