Lùi thời gian trình Luật Biểu tình sang năm 2016

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý.
TPO - Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Sáng 21/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, đối với việc xây dựng Luật Biểu tình, có ý kiến đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, dự án Luật về hội từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016).

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. 

“Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ”, ông Lý nhấn mạnh.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Lý cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Điều 53 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Tuy nhiên, hiện nay Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh. Do vậy, đề nghị xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi xem xét việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).  

Về định hướng sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tham nhũng hiện nay vẫn có diễn biến theo chiều hướng phức tạp, có những vụ việc nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, có yếu tố nước ngoài, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng còn nhiều hạn chế, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thuộc về các quy định của pháp luật. Luật phòng, chống tham nhũng sau thời gian thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó, quy định về công khai, minh bạch còn mang tính dàn trải theo các lĩnh vực quản lý nhà nước (vừa thừa, vừa thiếu), dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao.Quy định về tặng quà và nhận quà tặng chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chưa cụ thể, chưa nhất quán với các quy định ở phần chung.

Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, hiệu lực thi hành các quy định pháp luật được đánh giá là thấp nhất trong các biện pháp. Chưa quy định về các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng.

Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung toàn diện, cơ bản trên tinh thần quán triệt các nghị quyết của Đảng và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

MỚI - NÓNG