Lùi thời hạn thông qua luật đặc khu: Lắng nghe ý kiến nhân dân

Quốc hội bấm nút lùi thông qua dự án Luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 (10/2018). Ảnh: Như Ý.
Quốc hội bấm nút lùi thông qua dự án Luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 (10/2018). Ảnh: Như Ý.
TP - Phát biểu tại Quốc hội sáng 11/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập đến sự việc ở một số ít địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, kéo xuống đường, gây ách tắc giao thông và có hành động quá khích, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.

"Qua đây chúng ta thấy việc Quốc hội, ĐBQH đang bàn ở hội trường này đã lan tỏa ra ngoài xã hội. Đáng tiếc, vấn đề đó đã làm cho nhân dân không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề nên đã có hành động quá khích. Không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này, gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Quốc hội kêu gọi nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những dự án luật mà Quốc hội đang thảo luận và luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân. “Bản thân tôi cũng nhận được thư của một ĐBQH rất tâm huyết, có trách nhiệm. Chúng ta có nhiều hình thức, trong hành động, phát ngôn, đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu lầm nào nữa. Sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình đất nước chứ không phải chúng ta nói để rồi cho qua”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trao đổi với PV bên lề kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, bà tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến dự án Luật Đặc khu. Theo bà Hải, việc người dân quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội là điều rất tự nhiên, chính đáng thể hiện trách nhiệm của công dân với sự phát triển của đất nước.

Bà Hải cho rằng, những mong muốn, kiến nghị đề xuất của công dân là nguyện vọng rất chính đáng. Tuy nhiên, hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường. “Qua sự việc này, chúng tôi cũng thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả, để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua”, bà Hải cho hay.

Lùi thời hạn thông qua luật đặc khu: Lắng nghe ý kiến nhân dân ảnh 1 Quốc hội bấm nút lùi thông qua dự án Luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 (10/2018). Ảnh: Như Ý.

Xử nghiêm kẻ lợi dụng gây rối

Chia sẻ bên lề kỳ họp, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, quyết định của Chính phủ, Quốc hội về dừng thông qua dự án Luật Đặc khu là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân. Theo ông Quốc, bài học lớn trong việc này là trong quá trình xây dựng luật, vẫn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, đặc biệt ý kiến của những tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có.

Theo ông Quốc, nếu có ý thức bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, thì sẽ tìm được sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết. “Chúng ta đoàn kết lại chúng ta mới mạnh được. Đây là bài học ở cả phía các cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật cố gắng thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước”, ông Quốc chia sẻ.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Thanh Cảnh, chiều tối 10/6, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều người dân đã tập trung, ngoài tuần hành còn gây rối, đập phá, ném đá, đốt xe ôtô…ảnh hưởng đến trật tự trị an khu vực.

Lùi thời hạn thông qua luật đặc khu: Lắng nghe ý kiến nhân dân ảnh 2 Ảnh: Như Ý.

“Tôi cho đây là hành vi quá khích của những đối tượng côn đồ. Việc này cần phải điều tra, xử lý nghiêm. Còn cử tri, nhân dân Bình Thuận có ý kiến về Luật Đặc khu này, chúng tôi nghĩ rằng cứ phản ánh và Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, xem xét. Tuy nhiên việc thể hiện cần chuẩn mực, tỉnh táo, đừng để kẻ xấu xúi giục, kích động”, ông Cảnh cho hay.

Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, phải phân loại, đánh giá từng trường hợp và có hình thức xử lý nghiêm khắc để giữ vững kỷ cương, phép nước, không để kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự đất nước cũng như tỉnh Bình Thuận.

Không để lòng yêu nước bị lợi dụng

Ngày 11/6, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã có lời kêu gọi gửi đến đoàn viên công đoàn, công nhân lao động cả nước sau những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa phương. Theo ông Cường, những ngày qua, khi Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì các phần tử xấu đã kích động, lôi kéo công nhân ở một số ít địa phương tụ tập đông người gây ách tắc giao thông và có những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động sản xuất, đến trật tự, an ninh và an toàn xã hội.

“Thể hiện sự cân nhắc, thận trọng, sáng 11/6 Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, hoàn thiện dự thảo trên cơ sở giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế đất nước”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Ông kêu gọi toàn thể đoàn viên công đoàn, công nhân lao động “hãy bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không nghe theo và không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, không để lòng yêu nước bị lợi dụng”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong các đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung kích động trên các trang mạng xã hội.                

Văn Kiên

“Qua đây chúng ta thấy việc Quốc hội, ĐBQH đang bàn ở hội trường này đã lan tỏa ra ngoài xã hội. Đáng tiếc, vấn đề đó đã làm cho nhân dân không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề nên đã có hành động quá khích. Không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này, gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội”.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Cần hệ thống pháp lý để dân bày tỏ quan điểm

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Luật Biểu tình phải đảm bảo chất lượng

Luật Biểu tình đã được quan tâm và soạn thảo, nhưng do chất lượng dự thảo luật chưa được như mong muốn, nên chưa được xem xét. Theo tôi, tất cả các vấn đề này cũng là nhu cầu của người dân và nó đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Việc xây dựng luật này là hiện thực hoá quy định của Hiến pháp, tuy nhiên điều quan trọng là chất lượng phải được đảm bảo.

Lùi thời hạn thông qua luật đặc khu: Lắng nghe ý kiến nhân dân ảnh 3

Tôi nhận thấy các cơ quan liên quan rất quan tâm tới dự án luật này và đang hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đảm bảo thể chế hoá và hiện thực hoá quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất. Thông thường các dự thảo luật phải qua rất nhiều kỳ họp, đơn cử như dự án Luật Đặc khu đã trình, xem xét, định thông qua, nhưng lại phải để lại thêm một kỳ họp nữa. Điều đó cho thấy, chất lượng của dự thảo luật rất quan trọng.

Đúng là cử tri kiến nghị rất nhiều về vấn đề này, nhưng vấn đề chất lượng của luật phải là yếu tố hàng đầu. Kỳ họp này chúng ta đã đưa ra khỏi chương trình 8 dự án luật vì chất lượng không đảm bảo, thiếu tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế... Biểu tình là lĩnh vực hoàn toàn mới với chúng ta, nên tôi nhấn mạnh việc chậm ban hành luật hoàn toàn là do chất lượng.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Rất cần Luật Biểu tình

Từ sự việc đáng tiếc như vừa qua, theo tôi, chúng ta rất cần một Luật Biểu tình. Nếu có Luật Biểu tình thì người dân có thể bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích. Tôi biết có không ít người dân rất thành tâm tham gia việc đó, chứ không phải ai cũng quá khích. Nhưng chúng ta chưa có hệ thống pháp lý đầy đủ để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình.

Lùi thời hạn thông qua luật đặc khu: Lắng nghe ý kiến nhân dân ảnh 4

Tại sao chúng ta không phổ biến cho người dân ở địa phương? Rõ ràng ở đây có vấn đề thông tin không kịp thời. Mặt khác, tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương gần như không nắm được. Tôi biết chắc có rất nhiều người dân không phải tự phát, vì không ít người dân còn hỏi ý kiến tôi rằng, chúng tôi có nên thế này, có nên thế kia không? Quả thực là thông tin của họ không đầy đủ. Sự việc này gây bức xúc cho người dân do chúng ta tuyên truyền chưa tốt và lấy ý kiến cũng chưa tốt.

Bởi vậy, tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn thiếu một luật để điều chỉnh về một quyền của người dân đã có, để người dân có cơ hội, có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình nhưng trong khuôn khổ của pháp luật.

            Thành Nam (ghi)

MỚI - NÓNG