Lùm xùm “nông thôn” mới ở Bạc Liêu: Cán bộ bị kỷ luật nói gì?

Phóng viên báo Tiền Phong (phải) trao đổi với ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long.
Phóng viên báo Tiền Phong (phải) trao đổi với ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long.
TP - Ngày 10/6, phóng viên báo Tiền Phong gặp gỡ những cán bộ bị kỷ luật trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở  huyện Phước Long, Bạc Liêu.

Trao đổi với PV, ông Trần Anh Khiêm, Chánh văn phòng UBND huyện Phước Long nói: “Anh Trần Hoàng Duyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long, về quê có việc. Anh Lâm Thành Sáo, Phó Chủ tịch đang đi cơ sở. Anh Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long sẽ tiếp xúc (với PV)”.

Thưa ông, tâm trạng ông lúc này thế nào?

Ông Phan Thành Đông: Mấy ngày nay mệt mỏi, chuyện cũ rồi, nhắc đi nhắc lại hoài cũng mệt.

Cán bộ, nhân dân nhìn nhận chuyện hàng loạt cán bộ chủ chốt bị kỷ luật thế nào?

Cán bộ, nhân dân cũng biết việc này. Song có một số người không đồng tình hình thức kỷ luật nên khơi lại. Nhưng công việc vẫn chạy đều.

Ông vừa nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về đảng?

Tôi và anh Lâm Thành Sáo bị kỷ luật cảnh cáo trước khi chuẩn bị bầu cử. Lãnh đạo cấp trên cho tiếp tục ứng cử, tái cử và đắc cử.

Ông có thấy hình thức kỷ luật của mình và đồng nghiệp mình có thỏa đáng không?

Chúng tôi chấp nhận, vì có thiếu sót và là đảng viên phải chấp hành kỷ luật của đảng.

Thưa ông, khi bắt tay xây dựng NTM, cán bộ lãnh đạo huyện Phước Long có bị áp lực?

Trước khi T.Ư chọn huyện Phước Long xây dựng huyện NTM đã có nhiều đoàn của T.Ư, của tỉnh Bạc Liêu khảo sát, xem xét và động viên xây dựng NTM và đề ra về đích năm 2015. Huyện Phước Long liên tục cử cán bộ lên tỉnh Bạc Liêu, ra Hà Nội gặp lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư để trao đổi, bàn bạc, xin hỗ trợ.

Khi bắt tay xây dựng NTM còn có áp lực nào khác?

"Chúng tôi thấy trách nhiệm và kiến nghị với T.Ư ưu tiên cho huyện Phước Long xử lý nợ đọng, không phải kỷ luật cán bộ cấp dưới rồi thôi"

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Có chớ, huyện được T.Ư động viên, tỉnh khuyến khích. Chúng tôi giao việc, giao chỉ tiêu cho xã. Rồi áp lực của bà con vì xây dựng NTM không bồi thường đất đai, phải hiến đất, phải góp vốn “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Không chỉ vậy, nơi này có đường thì bà con nơi khác lại đòi hỏi và đặt thẳng: “Mấy anh có xem tôi là dân không mà không được xây dựng NTM?”. Thế là anh em chúng tôi biến Phước Long thành đại công trường xây dựng NTM.

Còn nợ đọng xảy ra lúc nào, việc báo cáo cấp trên ra sao?

Từ năm 2013, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, báo cáo nhiều lần, báo cáo hàng năm. Cái khó của Phước Long là xây dựng 7 xã NTM mà ngân sách chỉ nhỉnh hơn các huyện khác chút đỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu có phản ứng gì?

Lãnh đạo tỉnh có xem xét, động viên, tiếp tục xây dựng NTM. Nhưng không có văn bản chỉ đạo, chỉ có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về xây dựng NTM. Sau này, tôi xin được biên bản cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ghi rất rõ ràng, chi tiết.

Lùm xùm “nông thôn” mới ở Bạc Liêu: Cán bộ bị kỷ luật nói gì? ảnh 1

Công trình văn hóa xã Vĩnh Thanh- xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Phước Long đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả.

Việc xử lý của tỉnh Bạc Liêu thế nào về nợ đọng xây dựng NTM
thưa ông?

Tỉnh chỉ cho ứng trước ngân sách để giải quyết khó khăn trước mắt, cấp bách như trả lương, trả nợ cho doanh nghiệp quá khó khăn. Cho ứng trước mà không tăng thì chẳng khác nào huyện Phước Long xài trước rồi trừ lại.

Còn T.Ư có hỗ trợ đúng như lời hứa không?

Đến thời điểm này, T.Ư hỗ trợ 29 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều đoàn đến xem xét, hứa sẽ có cơ chế chính sách và hỗ trợ kịp thời nhưng chưa. Trong khi đó, huyện Phước Long đẩy mạnh xây dựng NTM tại 7 xã thì làm sao không tồn đọng nhiều.

Còn việc lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ cho vay tiền?

Khi khó khăn quá, tôi phải thế chấp bằng khoán (sổ đỏ) để ngân hàng cho vay tiền, một lần thôi. Tương tự như vậy, anh Trần Hoàng Duyên cho mượn tài sản đến 8 lần, vay tiền, trả nợ nên cộng dồn thành nhiều. Anh Lâm Thành Sáo cũng vậy. Anh em có nhận được đồng lãi nào đâu, trả lãi ngân hàng hết trọi.

Vì sao không để ngân sách vay mà cá nhân vay?

Phía ngân hàng đòi hỏi phải có thủ tục cá nhân. Anh em chúng tôi phải làm theo yêu cầu. Văn phòng  làm thủ tục vay, đưa về ngân sách, trả nợ thì phải chuyển vô tài khoản cá nhân. Thực ra tôi không biết số tài khoản, không cầm được đồng bạc nào. 

Những tài sản của lãnh đạo có kê khai không?

Những tài sản này có kê khai, kèm theo bản kiểm điểm cá nhân. Trường hợp anh Út Duyên có tài sản lớn là có nhưng đã được kê khai. Việc kê khai có công khai hay không là do tổ chức.

Ngày 10/6, Ban chấp hành Tỉnh ủy Bạc Liêu kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Hoàng Duyên, nguyên bí thư huyện ủy Phước Long. Trước đó, ông Lâm Thành Sáo, phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND và ông Phan Thành Đông, phó bí thư, chủ tịch huyện Phước Long bị kỷ luật cảnh cáo về đảng.

Cả ba cán bộ này bị cho là đã quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ. Các ông Lâm Thành Sáo, Phan Thành Đông còn “làm trái quy định trong những việc quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước…”.  

Những cán bộ này chỉ đạo, điều hành và quản lý xây dựng NTM tại huyện Phước Long đã nóng vội, chạy theo thành tích, vi phạm quản lý ngân sách, để nợ đọng từ năm 2013 là 24 tỷ đồng, năm 2014 là 211 tỷ đồng, 2015 là 397 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu “không có cơ sở kết luận động cơ vụ lợi, tư túi”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.