Lùm xùm thi tuyển công chức, Bộ Công Thương phải chủ động thanh tra

TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 20/8, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giao Thanh tra Bộ và Vụ Công chức, viên chức xem xét đề xuất lãnh đạo Bộ quyết định việc có thanh tra toàn diện việc thi tuyển công chức của Bộ Công Thương hay không.

Trước đó ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã kiến nghị Bộ Nội vụ thực hiện việc này do gần đây ĐB Cương nhận được đơn tố cáo về nghi vấn sai phạm trong thi tuyển công chức tại Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Lùm xùm thi tuyển công chức, Bộ Công Thương phải chủ động thanh tra ảnh 1

“Bộ trưởng đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật để quyết định”, đại diện Bộ Nội vụ cho biết. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thanh tra, cơ quan phải chủ động thanh tra việc này là Bộ Công Thương. 

“Nếu Bộ Công Thương tổ chức thi tuyển mà có dấu hiệu sai phạm thì Bộ Nội vụ vào cuộc là đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương đã ủy quyền cho các đơn vị bên dưới tổ chức thi tuyển, nên nếu có sai phạm thì chính Bộ Công Thương phải chủ động thanh tra làm rõ bởi “quyền thì ủy được nhưng trách nhiệm thì không thể ủy được”, một chuyên gia ngành Nội vụ nhận định.

Theo Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc thanh tra đột xuất khi có một trong 3 điều kiện: Dấu hiệu vi phạm pháp luật; có khiếu nại tố cáo chính danh; chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị. Đối tượng bị thanh tra là các cơ quan trực thuộc. 

Do vậy, trong vụ việc này, thẩm quyền thanh tra là của Bộ Công Thương đối với những dấu hiệu sai phạm của đơn vị trực thuộc. Khi kết luận thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, khi có thông tin về vụ việc tại Cục Quản lý cạnh tranh, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ kiểm tra làm rõ. Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẵn sàng hồ sơ để kiểm tra. “Bộ Công Thương chủ động trong xử lý. 

Theo thông tin ban đầu từ Cục Quản lý cạnh tranh thì việc thi tuyển công chức năm 2013 đã thực hiện đúng quy định của Bộ, công khai, minh bạch”, ông Sơn nói và cho biết thêm: Đúng là thông báo tuyển dụng ban đầu của Cục là 6 chỉ tiêu, nhưng thời gian mấy tháng sau đó thì Cục Quản lý cạnh tranh được bổ sung thêm 3 chỉ tiêu. “Việc bổ sung chỉ tiêu này đã được Bộ Công Thương cho phép”, ông Sơn nói.

Được biết, hôm nay (21/8), Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Công Thương) sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ thi tuyển công chức năm 2013 tại Cục Quản lý cạnh tranh theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ. “Sau khi kiểm tra mới có thể có thông tin chính thức”, ông Sơn cho biết.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.