Lượng người mắc tiêu chảy cấp có xu hướng giảm

Lượng người mắc tiêu chảy cấp có xu hướng giảm
TP - Ngày 14/4, TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết số người mắc tiêu chảy cấp đang có xu hướng giảm.

Nhưng người dân không nên chủ quan vì dịch có thể bùng phát nếu người dân lơ là trong việc vệ sinh cá nhân, môi trường và thực phẩm.

TS Nga cho biết thêm, hiện đang đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế cho rút tên tỉnh Quảng Bình ra khỏi danh sách các tỉnh có bệnh nhân tả. Bởi đã 10 ngày liên tiếp Quảng Bình không phát hiện thêm ca bệnh tả mới.

Bắt đầu từ hôm nay (15/4), nhân Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề phòng chống tiêu chảy cấp, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Hôm qua (14/4), bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra, giám sát việc phòng chống dịch tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Xanh Pôn, một số cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố và hồ Hố Mẻ (quận Đống Đa).

Tại hồ Hố Mẻ - hồ nằm trong danh sách 30 hồ đang bị ô nhiễm nhất thành phố cần phải được nạo vét, rác thải nằm xung quanh hồ, nước hồ đen kịt. Hồ rơi vào tình trạng ô nhiễm rất nặng nhưng vẫn tồn tại cửa hàng bia hơi Vườn Tre Xanh (số 1B Tôn Thất Tùng).

Tại nhà hàng này, toàn bộ nước thải sinh hoạt cũng như chất thải nhà vệ sinh được xả thẳng ra hồ. Thực phẩm chế biến thức ăn không có nguồn gốc, rau sống không bảo đảm vệ sinh, nhà hàng cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Thành Đoàn Hà Nội huy động lực lượng thanh niên tình nguyện phát tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh tiêu chảy cấp đến tận các hộ dân đang sống cạnh 30 hồ bị ô nhiễm nặng, đồng thời ra quân nạo vét, thu gom, vệ sinh môi trường xung quanh hồ Hố Mẻ.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca dương tính với phẩy khuẩn tả (44 bệnh nhân).

Sở Y tế Hà Nội cho biết 16 bệnh nhân trong số này đã từng uống vắc xin tả trước khi mắc bệnh. TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư khẳng định không có loại vắc xin nào có khả năng phòng ngừa 100%.

Với vắc xin phòng tả, đạt hiệu quả bảo vệ là khoảng 66% đã được xếp vào loại vắc xin tốt. Vắc xin này còn có hiệu lực bảo vệ khoảng 50% sau 3-5 năm được uống.

Do đó, các chuyên gia đầu ngành về vắc xin khuyến cáo những người từng được uống vắc xin tả cần từ bỏ suy nghĩ sẽ không bị vi khuẩn tả “hỏi thăm” sau khi đã uống vắc xin.

Nếu tiếp tục thói quen ăn uống các thực phẩm đã nhiễm khuẩn thì vắc xin tả cũng khó lòng bảo vệ tốt.

Tuy nhiên, theo TS Hiển dù không bảo vệ được 100%, nhưng việc uống vắc xin tả rất hữu ích, nó vừa đáp ứng miễn dịch cho bản thân người uống, vừa có giá trị về miễn dịch cộng đồng.

Cụ thể, nếu sống ở bên cạnh những người đã được uống vắc xin tả, nguy cơ mắc bệnh của người chưa được uống cũng giảm đi.

MỚI - NÓNG