Luyện thi cấp tốc : Nhan nhản... 'cò' lò

Luyện thi cấp tốc : Nhan nhản... 'cò' lò
TPO - Vừa dừng xe chúng tôi đã được các cò lò tiếp đón rất nồng nhiệt. Trong vai một sĩ tử ôn luyện ba năm không đỗ, khi biết được "hoàn cảnh" của tôi, một cò lò phẫn nộ hộ: “Mấy trung tâm ấy toàn bịp bợm cả đấy, ai lại hãm người ta ba năm không đỗ bao giờ.”

>> Hà Nội : Nhiều 'lò' luyện thi cấp tốc đồng loạt khai giảng

Luyện thi cấp tốc : Nhan nhản... 'cò' lò ảnh 1
Tiếp thị lò luyện tràn ngập trên con ngõ nhỏ của khu tập thể ĐHSP Hà Nội. Ảnh : Lệ Xuân

Rồi bằng giọng chia sẻ, chị thủ thỉ: “Về chỗ chị đảm bảo em đỗ ngay năm nay, các thầy cô ở chỗ chị “xịn” lắm. Em yên tâm đi…”.

Trò chuyện với những người phát tờ rơi, môi giới chèo kéo thí sinh cho các lò luyện tại Hà Nội - Giới sĩ tử luyện thi mãi không đỗ hay gọi là  “cò lò" - chúng tôi được biết các trung tâm ôn luyện thi đại học đều được khai giảng vào ngày 4/6 và bắt đầu học vào ngày 5/6.  

Năm nay, hình thức thi trắc nghiệm mới đã làm cho không ít sĩ tử hoang mang, bỡ ngỡ. Chính vì vậy ngay sau khi kết thúc kì thi tốt nghiệp, sĩ tử từ nhiều vùng quê đã tất bật đổ về chốn kinh kỳ tìm lò để dùi mài kinh sử.

Lò luyện thì... nhiệt phải cao

Luyện thi cấp tốc : Nhan nhản... 'cò' lò ảnh 2
Một lò luyện thi cấp tốc tại Hà Nội. Ảnh : Lệ Xuân

3 sào ruộng, một tháng ôn lò

"Cả nhà em thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng, vụ này lại mất mùa. Bố mẹ em phải bán cả 3 sào lúa non mới đủ 1 triệu để em lên Hà Nội ôn thi.

Những tưởng sẽ thu được nhiều kiến thức, nhưng chị xem: nóng bức thế này lớp lại đông. Có cố gắng cũng chả tiếp thu được là bao! Biết trước thế này em ở nhà tự ôn còn đỡ mệt hơn".

Sĩ tử Nguyễn Văn Hải, quê ở Hưng Hà, Thái Bình thất vọng nói. 

Khâu chuẩn bị không có gì vất vả vì các băng rôn, khẩu hiệu, bảng biển đều được “lưu truyền ” từ năm trước. Đi vào một con ngõ nhỏ của khu tập thể Đại Học Sư Phạm Hà Nội, cái đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai bên đường rợp kín các bảng biển “luyện thi cấp tốc”, có trung tâm ngoạn mục hơn thì ghi thêm vào bảng “luyện thi cấp tốc” mấy chữ: “chắc chắn đỗ”, “giá rẻ”… Hẳn các trung tâm ôn luyện thấy mấy chữ này “được việc” nên mới không tiếc giấy mực ghi thêm vào…!

Qua hỏi thăm chúng tôi được biết giá cả mỗi đợt ôn thi tính từ 4/6 đến hết 30/6 là 600.000đ/ 3 môn. Nếu học theo ca thì 8000đ/ca/ 2h. Các sĩ tử có quyền được chọn lớp học và chọn thầy cô giảng dạy. Mua một vé học 8000đ/ ca môn Toán của thầy H.T giảng dạy, tôi được chỉ dẫn đi sâu vào một con hẻm nhỏ trên đường Xuân Thuỷ là đến lớp học.

Đến nơi, tôi thấy hơi ngạc nhiên vì không nghĩ ở ngay gần trung tâm thành phố như thế mà lại còn sót lại những căn nhà tồi tàn đến vậy. Trời nắng và oi bức nhưng lớp học vẫn đông. Ca học bắt đầu lúc 13h30 nhưng gần 14h, thầy giáo mới đủng đỉnh bước vào lớp. Giọng thầy vang lên từ cái loa được treo lủng lẳng ở hai góc tường bằng sợi dây thừng đã cũ.

Căn phòng không lấy làm rộng rãi này chứa được tới hơn hai trăm con người, chen chúc, chật chội… Mồ hôi ròng ròng thấm ướt lưng áo, cô bé ngồi cùng bàn với tôi cố căng cặp kính cận dày cộp để mong nhìn thấy chữ thầy viết trên bảng. Cô than thở: “ Buổi sau mình sẽ đi sớm hơn chứ cứ phải ngồi dưới thế này chẳng nhìn thấy gì cả.”

Trong phòng, ba chiếc quạt, hai chiếc cho trò và một cái cho thầy không biết đã phải “chinh chiến” biết bao mùa luyện thi đang hoạt động hết công suất.

Tan học, thấy tôi có vẻ than phiền vì nóng bức quá làm sao mà học được, một cò lò vỗ vai tôi an ủi : “Lò luyện thì nhiệt phải cao, có ôn luyện khổ sở thì mới đỗ được.”

Bí quyết "gia truyền" của các lò

Luyện thi cấp tốc : Nhan nhản... 'cò' lò ảnh 3
Bảng quảng cáo cho một lò luyện thi cấp tốc. Ảnh : Lệ Xuân.

Kì thi đại học năm nay do hình thức thi có một số thay đổi lớn nên các lò luyện thi cũng có thêm những “chiêu” mới hấp dẫn học trò. Theo kinh nghiệm của một số bạn học lò, chúng tôi tìm đến các trung tâm ở Đại Học Y Hà Nội, Đại Học Bách Khoa Hà Nội… Đi vào đường Tạ Quang Bửu, các bảng biển, băng rôn được xếp dàn chắn gần hết đường đi.

Theo các cò lò ở đây thì các trung tâm này đều rất uy tín và đặc biệt là luôn đi kịp thời đại. Hễ đề thi có gì biến chuyển là họ nắm được ngay và điều chỉnh việc ôn luyện. Tất cả các sĩ tử ôn luyện tại đây đều đỗ vì lò có “ bí quyết gia truyền” và "các thầy cô ở đây đều tham gia ra đề thi cả đấy"  – một cò lò tuyên bố xanh rờn.

Để biết rõ thực hư ra sao, chúng tôi mua một vé học và vào lớp. Vẫn cảnh thầy đọc trò chép, không có gì là mới. Đến cuối ca học, khi các sĩ tử định ra về thì được thầy gọi lại và phát cho một tập bài tập trắc nghiệm về nhà tự làm và không quên kèm theo: “Đề thi ở trong đấy hết.”

Nhìn qua số bài tập chúng tôi thấy đó là những bài tập trắc nghiệm mà câu hỏi và câu trả lời đều không rõ ràng. Sau  khi hoàn thành “nghĩa vụ”, thầy giáo xách cặp ra về thì bị một sĩ tử chạy theo và hỏi về bài tập thầy vừa phát có một câu mà cả bốn đáp án A, B, C, D đều không thoả mãn trong khi đề bài là “ chọn đáp án đúng”. Sĩ tử này liền được câu trả lời gắt gỏng : “Bài tập về nhà là để các em về nhà tự làm, ai bảo làm ở đây mà hỏi nhiều thế…!”

Cả ngày rong ruổi tìm hiểu thực tế các lò luyện cấp tốc, cái chúng tôi thu được là bài học hãy cảnh giác với các lò luyện thi đặt mục đích lợi nhuận, kinh doanh lên trên hết, vừa chật chội, chen chúc, mất tiền mà chất lượng không đảm bảo.

Mùa thi gần kề, lượng thí sinh từ mọi miền quê đổ về Hà Nội để ôn thi ngày càng đông. Phần lớn các thí sinh đều xuất thân từ các tỉnh lẻ, con nhà nông không biết sẽ phải bỏ tiền vào đâu cho "đáng đồng tiền bát gạo" khi ngày càng có nhiều các trung tâm ôn luyện thi cấp tốc kiểu này.

Liệu có cần kiểm soát và quản lý chất lượng các lò luyện vẫn đến hẹn lại... mọc lên như nấm này không ?

MỚI - NÓNG