Lý do đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'uốn lượn mấp mô'

Hiện tượng uốn lượn bắt đầu xuất hiện khi đường sắt đô thị đổi hướng từ sông Tô Lịch nối vào đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Dân Trí
Hiện tượng uốn lượn bắt đầu xuất hiện khi đường sắt đô thị đổi hướng từ sông Tô Lịch nối vào đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Dân Trí
TPO - Những đoạn uốn lượn mấp mô đó là do chủ ý quy trình thiết kế dự án để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tiêu hao năng lượng cho tàu điện.

Sáng 25/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về lý do đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông xuất hiện những đoạn 'uốn lượn mấp mô', ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đó là chủ ý quy trình thiết kế.

Theo ông Thành, sở dĩ dự án này có những đoạn uốn lượn mấp mô đó là do chủ ý quy trình thiết kế dự án để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tiêu hao năng lượng cho tàu điện.

'Khi vào ga bắt buộc phải dừng tàu đưa lên trắc dọc, đi lên dốc đỡ phải hãm phanh, đỡ tiêu hao năng lượng. Khi tàu đi ra khỏi ga có gia tốc để tàu tạo ra động lực đỡ phải tiêu hao năng lượng nhiều. Và các nước cũng thiết kế theo quy trình đó', ông Thành cho hay.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đã có văn bản phản hồi thắc mắc của dư luận xung quanh vấn đề này.

Theo đó, đối với dự án này, trắc dọc lớn nhất tối đa trên chính tuyến thiết kế là 23%o (23 phần nghìn) trong quy phạm cho phép từ 0%o đến 30%o. Để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc; cụ thể:

- Khi vào ga đoàn tàu phải giảm tốc độ do đó thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng.

- Khi ra khỏi ga đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng. 

[ẢNH] Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'uốn lượn mấp mô'

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008. 

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 Nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ đưa vào vận hành dự án này.

MỚI - NÓNG