Ly kỳ chuyện ứng phó ma qủy

Ly kỳ chuyện ứng phó ma qủy
TP - Đại ngàn Tây Nguyên cho con người biết bao sản vật quý giá nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa về thiên tai, thú dữ, bệnh tật… Các tộc người nơi đây tin rằng họa phúc trong cuộc đời đều có các thế lực siêu nhiên can thiệp vào, do đó phải thường xuyên dâng lễ để cầu xin sự che chở của thần linh (Yàng) và làm vừa lòng ma quỷ (chà).

Bức thông điệp gởi ma quỷ

Ở Tây Nguyên, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng có lễ hội. Định kỳ là những lễ hội mừng lúa mới, bỏ mả, đua voi, còn bất chợt là những cuộc tế lễ vì thiên tai, dịch bệnh, thú dữ tấn công, thổi tai cho trẻ sơ sinh…

Trong những lễ hội lớn đều tổ chức đâm trâu - con vật tổ của người Tây Nguyên và cũng là vật hiến sinh có giá trị lớn nhất, còn lễ nhỏ thì cúng heo, dê, gà, vịt. Điều đặc biệt là dù lễ lớn hay nhỏ đều không thể thiếu cây nêu (linh vật của lễ hội) để qua đó gởi thông điệp cho các thế lực siêu nhiên.

Sau khi trai tráng trong làng đâm chết con trâu bị cột gần cây nêu trong lễ pơ thi (còn gọi là bỏ mả, lễ hội long trọng bậc nhất ở Tây Nguyên), chủ lễ bước ra trước giàn hiến tế khấn nguyện: Ơi thần núi thần sông, ơi ma ông ma bà. Trâu đã giết. Xin đừng đòi thêm nữa. Đến uống đi! Đến uống nào! Hãy uống cùng buôn làng chúng tôi! Đến uống rượu cần làm từ hạt lúa mẹ, từ dòng suối nguồn ngọt ngào!

Khấn xong, chủ lễ đặt đầu trâu lên giàn hiến tế và lấy máu con vật hiến sinh bôi lên cây nêu với ngụ ý gởi thông điệp mời các Yàng và chà đến nhận lễ vật; mong các vị hãy thụ hưởng, vui chơi và đừng làm hại dân làng.

Một phần thịt và bộ lòng được mang ra ngôi nhà ma để dâng cho các thần thuộc tuyến ác. “Là linh vật kết nối sự giao tiếp giữa con người và thế lực siêu nhiên nên cây nêu thường được làm rất công phu” - Già làng K’Bát ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết.

Đầu trâu - vật hiến sinh có giá trị nhất ở Tây Nguyên
Đầu trâu - vật hiến sinh có giá trị nhất ở Tây Nguyên.

Nêu cao hơn 10m, gồm 3 phần: gốc, thân và ngọn. Gốc được chọn làm từ cây cóc rừng, thẳng đều, đường kính thân trên dưới 20cm, một đầu chôn xuống đất, đầu kia chuốt nhọn để gắn kết với thân nêu. Thân nêu là cây tre dài, được trang trí bằng hình ảnh chiêng, ché, xà gạc, mặt hổ...

Phía trên đính 4 nhánh nêu bằng 4 cây le nhỏ dài cong vút tỏa rộng về 4 phía tạo cho cây vẻ đẹp tự nhiên, mềm mại. Trên cùng là ngọn nêu với hình ảnh con chim cu được đan bằng lồ ô. Nghệ nhân còn treo vài ống sáo lên cây nêu để khi gió thổi qua tạo nên âm thanh lạ tai, hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng khiến lễ hội thêm tưng bừng, sống động.

Lễ pơ thi thường kéo dài từ 3 - 5 ngày, cá biệt có gia đình làm lễ trong vài tuần với sự tham gia của hàng ngàn người đến từ nhiều làng khác nhau. Cách đây vài năm, chị Ya Nhai (người Chu ru ở buôn M’Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) đã phải mổ 8 con trâu trị giá khoảng 40 triệu đồng để tổ chức pơ thi cho 8 thế hệ từ đời cố ngoại để lại.

Người Lạch luôn giữ lửa trong bếp, thầy phù thủy kiêng thịt heo, sản phụ kiêng thịt tươi, không dùng củi gần nhà vì đó là củi bẩn, củi thì không chụm đằng ngọn trước, không chỉ tay vào mặt nhau khi tranh cãi.

Đến nay, chị Nai Thu ở huyện Đơn Dương cũng đã đứng ra cáng đáng việc làm lễ pơ thi cho 10 người trong dòng họ với chi phí hàng chục triệu đồng...

“Nếu vợ không làm được lễ pơ thi cho chồng thì con gái phải làm thay cho mẹ. Nếu con gái vẫn chưa làm được thì cháu, chắt gái... sẽ làm. Những cô gái trẻ có chồng không may chết sớm thì phải làm pơ thi xong mới được đi bước nữa” - chị Nai Thu nói.

“Với những gia đình nghèo thì việc làm lễ pơ thi quả là một gánh nặng, có nên bỏ luật tục này không?” - tôi đã hỏi câu này với nhiều già làng có uy tín trong cộng đồng người K’ho, Chu ru và nội dung trả lời thường là: Lễ pơ thi là để thông báo cho hồn ma rằng mọi vướng mắc, nợ nần, phân chia tài sản đã xong, hồn người chết hãy đi về làng ma rồi trải qua những kiếp sống khác. Nếu không làm như thế, sợ rằng người chết sẽ quay trở về trách cứ, quấy nhiễu, thậm chí trừng phạt những người đang sống.

“Cần giữ lễ pơ thi mà ông bà xưa truyền lại. Ngay cả những người có uy tín nhất trong buôn cũng không có quyền can thiệp vào những điều khoản trói buộc của luật tục” - già làng Krazăn Plin ở buôn Đăng Ja (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khẳng định.

Hóa trang để chiến đấu với ma quỷ

Già làng Krazăn Plin cho biết ngày nay trong lễ pơ thi, người Lạch vẫn còn duy trì hội hóa trang rất thú vị và ý nghĩa. Trước khi vào đêm hội, dân làng lấy các loại phấn màu được chế tác từ cây rừng vẽ lên mặt nhau sao cho giống gương mặt của ma quỷ và lấy bùn đất trát đầy người.

Sau đó sẽ diễn ra những cuộc đấu vật. Phía người chết bao giờ cũng thua và tức tối rời khỏi buôn làng để vĩnh viễn về làng ma.

Sau khi chiến thắng, các chiến binh của buôn làng xuống suối tắm rửa, tẩy trang rồi lội hoặc bơi theo con suối, con sông để về nhà. Mục đích là xóa hết dấu vết để các linh hồn không đi theo mình nữa mà trở về làng ma của họ.

Vẽ mặt hóa trang cho nhau trước khi vào lễ hội. Ảnh: KP
Vẽ mặt hóa trang cho nhau trước khi vào lễ hội. Ảnh: KP.

Nguồn gốc của hội hóa trang này cũng rất độc đáo như lời kể của các cụ cao tuổi: Ngày xưa người Lạch sống chung với thần linh và các hồn ma. Con người và các thế lực siêu nhiên nói trên đều nhìn thấy và nói chuyện được với nhau. Dần dà việc này trở nên rất bất tiện bởi các linh hồn quấy rối cuộc sống của người trần.

“Có linh hồn thích vợ mình, tối nào cũng về ôm cô ấy ngủ thì làm sao chịu được? Trẻ con sinh non không được ăn uống đàng hoàng về lục đồ ăn, không lẽ mình đánh nó?”- Krazăn Plin hóm hỉnh.

Vị thần tối cao là N’Đu thấy vậy liền trám con mắt của người trần bằng một lớp keo đặc biệt gọi là bệt để không nhìn thấy thần linh và các linh hồn nữa. Từ đó người trần muốn gặp gỡ, giao hảo với ma quỷ thì phải hóa trang sao cho giống thế lực siêu nhiên này.

Nghi thức chó leo nhà

Ngày nay khi muốn dựng nhà, nhiều gia đình người K’Ho vẫn nhờ già làng cùng một số vị cao niên dâng rượu cần cho Yàng, sau đó bàn bạc, chọn vị trí đất thích hợp và cắm 2 khúc cây làm dấu trên mảnh đất này. Đêm đó mọi người về nhà ngủ và sáng hôm sau già làng hỏi xem có ai mơ gì không. Nếu là giấc mơ xấu, phải bỏ mảnh đất đó để chọn vị trí khác, còn nếu có giấc mơ tốt thì xúc tiến việc cất nhà.

Khi dựng xong ngôi nhà, người K’Ho ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà) sẽ làm lễ cúng với lễ vật là ché rượu cần, gà hoặc vịt. Tại lễ cúng này, người ta bắt con chó thả vào nhà mới. Nếu phát hiện có tà ma, chó sẽ đuổi đi.

Kiêng món ăn khoái khẩu

Hiện một số buôn làng của người Mạ vẫn giữ tục lệ trong tuần lễ đầu tiên sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ không được ăn quả chua vì đó là thứ ma lai rất thích. Đa số các gia đình người Mạ, nhất là những gia đình làm lúa rẫy kiêng ăn thịt chồn bởi cho rằng đó là con vật xấu. Nếu ăn thịt chồn, hồn lúa sẽ giận không về kho nữa.

Người Tây Nguyên cho rằng chà thường trú ngụ trong những khu rừng thâm u, trên đỉnh núi cao chót vót hay dưới khe sâu hiểm trở. Chà biến hóa khôn lường và có sức mạnh hủy hoại đáng sợ.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.