Ô nhiễm môi trường đô thị: Báo động!

Mắc bệnh vì tiếng ồn

Trung tâm điện máy Thiên Hòa (Q. Gò Vấp) trưng cặp loa “khủng” trước mặt tiền.
Trung tâm điện máy Thiên Hòa (Q. Gò Vấp) trưng cặp loa “khủng” trước mặt tiền.
TP - Không chỉ ô nhiễm khói, bụi tại TPHCM, trên các tuyến đường lớn, nơi có nhiều cửa hiệu mua bán hàng điện máy nhỏ, quần áo, thời trang… âm thanh quảng cáo, nhạc xập xình cộng hưởng cùng tiếng máy xe dưới đường, tiếng còi xe inh ỏi làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.

Cứ chiều chiều, một trung tâm nha khoa trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5) lại đưa cặp loa “khủng”, vặn hết công suất với âm thanh chát chúa chĩa thẳng ra đường. Mấy cô gái tay cầm chùm bóng đính tờ rơi phát cho người đi đường. Bà Minh (58 tuổi) bức xúc: “Nhà tôi ở gần đây. Cả ngày phải chịu đủ thứ tiếng ồn, giờ thêm các cửa hiệu kinh doanh mạnh ai người nấy phát loa ầm ĩ, thực không sao chịu nổi. Nhà lúc nào cũng đóng kín cửa nhưng tiếng nhạc, tiếng còi xe cứ đập thẳng vào đau hết cả tai. Tôi sẵn có bệnh tim, sống chung với đủ loại tiếng ồn làm bệnh càng thêm nặng”.

Tại ngã tư Út Tịch - Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), một cửa hàng bán kính mát với hai chiếc loa thùng cao gần một mét luôn phát nhạc và lời rao khuyến mãi. Phía bên kia, một cửa hàng điện máy chẳng chịu thua với hai bộ loa to đùng, nhạc mở liên tục. Cách đó chục mét, nhạc từ một cửa hàng bán điện thoại cũng luôn trong trạng thái mở hết công suất, không chịu thua âm thanh từ cửa hàng điện máy.

Trên tuyến đường An Dương Vương (P. An Lạc, Q. Bình Tân), nhiều quán nhậu “hát cho nhau nghe” đầu tư cả dàn karaoke đặt ngay trên đường. Khách vừa “dô dô” ăn nhậu, vừa thi nhau hát hò trong tiếng nhạc rất lớn, kéo dài từ chiều đến tối khuya. Khó chịu hơn là tiếng ồn phát sinh từ hoạt động xây dựng ở nhiều công trình nằm len lỏi trong các khu dân cư.

Theo BS Hoàng Văn Thế - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: Che lấp âm thanh cần nghe, làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại… Đối với tiếng ồn 50 - 60 dB nhưng phải nghe dai dẳng, liên tục như những trường hợp ở sát quán cà phê, quán nhậu… cũng rất nguy hiểm. Cụ thể như sẽ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.

Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.

Trẻ  nhập viện vì ô nhiễm không khí...

“Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong khi trẻ em mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện ngày càng giảm thì bệnh lý hô hấp lại ngày một tăng và chiếm đến 40-50% số bệnh nhi điều trị nội trú”, Báo cáo môi trường quốc gia ghi nhận.

Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra những hiểm hoạ cho sức khoẻ người dân. Mỗi năm có hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, số lượng người mắc bệnh hô hấp chiếm 3-4% dân số. Đặc biệt các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là hen suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não và dị tật bẩm sinh.

Các thiệt hại về sức khoẻ kéo theo thiệt hại về kinh tế. Riêng ở Hà Nội, báo cáo chỉ ra, số liệu ước tính bình quân chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp lên tới 2.000 tỷ đồng/năm.

Đánh giá ô nhiễm bụi, vấn đề nổi cộm nhất trong các ô nhiễm ở đô thị Việt Nam, Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường đô thị đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu trong đó có việc kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng, đẩy mạnh kiểm tra định kỳ khí thải từ các phương tiện giao thông. Xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Đặc biệt, duy trì diện tích cây xanh đô thị, đáp ứng tỷ lệ theo tiêu chuẩn đô thị tương ứng. Hiện nay, diện tích đất cho cây xanh còn rất thấp. Hà Nội, TPHCM chỉ đạt 2m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 các thành phố tiên tiến trên thế giới.

“Hằng ngày chúng tôi đều tiếp khám nhiều trường hợp là người dân đô thị, công nhân may, dệt, giày da, thợ mộc, thợ xưởng cưa, những người làm quán bar, DJ âm nhạc... bị bệnh do tiếng ồn phát ra. Kết quả khám, mức độ nhẹ thường là bị mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình, ảnh hưởng thần kinh số 8 và nặng là bị giảm thính lực, mất khả năng nghe nghiêm trọng”.          

 BS Nguyễn Văn Thế 

MỚI - NÓNG