Mặc giáp sắt cho tàu lớn vươn khơi

TP - Trong khi chương trình đóng tàu sắt đang chờ triển khai, ngư dân miền Trung đã chủ động đóng tàu lớn vươn khơi. Những con tàu trên dưới 1.000 CV liên tiếp được hạ thủy. Đặc biệt, để chống chọi với sóng dữ và sự đe dọa đâm húc của tàu Trung Quốc, nhiều ngư dân đã gia cố bằng cách cho tàu “mặc áo giáp”…

Gia đình tàu lớn

Gia đình anh Nguyễn Sương (Sơn Trà - Đà Nẵng) được người dân tôn vinh được gọi là “gia đình tàu khủng”. Họ vừa đóng bộ đôi tàu đánh cá được coi là lớn nhất miền Trung trong thời điểm này. Chị Hương (vợ anh Sương) kể, gia đình lúc trước có 4 tàu, nhưng tất cả đều có công suất dưới 500 CV. 

Sau nhiều năm đánh bắt, nhận thấy hiệu quả không cao, rủi ro ngày càng lớn. Vì thế, chị quyết định bán 3 chiếc, vay mượn ngân hàng đóng mới bộ đôi ĐNa 90604 (1.085 mã lực) và ĐNa 90603 (1.050 mã lực). Giới ngư phủ Đà Nẵng xôn xao vì câu chuyện này. ĐNa 90604  dài 25 m, rộng 6 m, cao 4,2m, trị giá 5,3 tỷ đồng (vay ngân hàng 2,2 tỷ đồng).

ĐNa 90603 nhỏ hơn,  dài 21 m, rộng 6 m, cao 3,8 m. Chi phí cho cả hai con tàu này gần 10 tỷ đồng. “Biết là khó khăn nhưng phải liều thôi. Tàu nhỏ ra khơi rất nguy hiểm, không hiệu quả và luôn bị Trung Quốc chèn ép”, chị Hương nói. Bộ đôi tàu của anh Sương cùng với chiếc ĐNa 90802 (450CV), chiếc thứ 3 của gia đình anh sẽ hiện diện tại ngư trường Hoàng Sa.

Mỗi chiếc tàu đóng mới có công suất trên 800 CV như của anh Sương được thành phố hỗ trợ 800 triệu/chiếc. Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, trong năm 2014, Đà Nẵng sẽ hạ thủy 10 chiếc tàu cỡ lớn.

Đây chỉ là tình thế trước mắt để ngư dân đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản và tính mạng khi hành nghề trên biển. Còn về lâu dài, đóng tàu sắt là việc không thể không làm”.  

Ông Ngô Văn Hưng

Mặc giáp sắt vươn khơi Mới đây ngư dân Quảng Ngãi đã sáng tạo cho tàu gỗ vươn khơi bằng cách bọc sắt quanh thân tàu. Theo các ngư dân, để đóng một con tàu cá vỏ gỗ công suất lớn, quanh thân tàu được bọc sắt, ngư dân phải đầu tư cao hơn tàu vỏ gỗ bình thường từ 150 -200 triệu đồng. Bù lại những con tàu này có khả năng chống chọi với tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc khi bị đâm húc tại ngư trường Hoàng Sa.

Tại cơ sở đóng tàu Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) chỉ trong vòng vài tháng nay, cơ sở này đã hoàn tất và hạ thủy hàng chục tàu cá công suất lớn từ 500 - 800 CV. Ông Nguyễn Tấn Ý, một thợ đóng tàu tại cơ sở này, cho biết: Những năm trước nhu cầu bọc sắt cho tàu cá chưa được ngư dân chú trọng. 

Tuy nhiên, thời gian qua, khi hợp đồng đóng tàu, ngoài khâu kỹ thuật theo qui định, hợp đồng đóng tàu còn thêm khoản bọc sắt thân tàu cá. Nguyên nhân của điều khoản này được các chủ tàu lý giải là để chống chọi với sự đâm húc, tấn công của các tàu vỏ sắt Trung Quốc, đồng thời đảm bảo an toàn khi đương đầu với bão gió khơi xa. 

Hiện nay, ngoài cơ sở đóng tàu ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, thì một số cơ sở đóng tàu trong tỉnh Quảng Ngãi như Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, Bình Sơn cũng đang triển khai đóng nhiều tàu cá loại này.

Anh Nguyễn Đăng Tỵ, ngư dân trên chiếc tàu cá đang được bọc thép cho hay, ngư dân rất muốn đóng tàu vỏ sắt công suất lớn để vươn khơi nhưng chi phí đóng 1 tàu vỏ sắt công suất trên 600 CV, chưa kể ngư cụ tốn khoản 5 - 6 tỷ đồng, trong khi đóng một tàu cá vỏ gỗ có công suất tương tự, nếu được bọc sắt cũng chỉ tốn khoảng 3 - 3,5 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Hưng - Chi cục phó Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, mô hình tàu vỏ gỗ được bọc sắt được ngư dân Quảng Ngãi áp dụng từ vài năm nay, chủ yếu là các tàu cá công suất lớn và mô hình này đang được nhân rộng. “Theo đánh giá, tàu cá vỏ gỗ được bọc sắt sẽ chịu được áp lực từ ngoài tác động vào như bị va đập, đâm húc...,  không gây hư hỏng thành và thân tàu. Tuy nhiên, đây chỉ la tình thế trước mắt để ngư dân đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản và tính mạng khi hành nghề trên biển. Còn về lâu dài, đóng tàu sắt là việc không thể không làm”, ông Hưng nói.

MỚI - NÓNG