Mại dâm có được coi là một nghề?

TPO - Sáng 28/3, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm. Tại đây, câu hỏi quen thuộc “có coi mại dâm là một nghề hay không?” tiếp tục được đặt ra.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trên thế giới, mại dâm tồn tại từ lâu, có khả năng tạo thu nhập cho bản thân đối tượng hành nghề và một số bên liên quan. Thực tế, nhiều nước công nhận mại dâm là một nghề, nhưng cũng nhiều nước cấm. Vậy “nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm”, là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm.
Tuy vậy, theo ông Lập, dù cấm hay không, xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, hầu hết người hoạt động bán dâm đều tự nguyện, chỉ một số do bị ép buộc là nạn nhân của nạn buôn bán người.

Thực tế tại Việt Nam, mại dâm không chỉ ở các khu du lịch, mà cả ở những khu dân cư cũng rất phức tạp… Tuy nhiên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, việc có hay không công nhận mại dâm là một nghề đã được bàn tới từ nhiều năm nay. “Nếu công nhận mại dâm là nghề thì rất khó, vì đã là nghề thì phải tuân theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương… theo quy định”, ông Lập nói.

Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phòng chống mại dâm trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Theo đó, Việt Nam tiếp cận mại dâm theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn ngừa, phòng chống trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, bảo vệ và giúp đỡ người bán dâm.

“Dù áp dụng biện pháp nào, chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội… Vì vậy việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay”, ông Lập nói.

Tại hội thảo, nhiều vấn về hành lang pháp lý liên quan tới hoạt động mại dâm đã được các đại biểu đặt ra, như nếu phi hình sự hóa mại dâm thì ngoài đối tượng bán dâm, các đối tượng liên quan khác (như môi giới, bảo kê, buôn bán người, trẻ em…) có áp dụng chung hay không?

Theo báo cáo của các địa phương trên toàn quốc, hiện cả nước có khoảng 15.000 người hoạt động bán dâm. Tuy nhiên, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại đưa ra con số, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó người bán dâm là nữ khoảng 75.000 người.

Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua internet (facebook, zalo)...

Tại Việt Nam, năm 2003 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 10/2003 về phòng chống mại dâm. Sau 15 năm thực hiện, pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra một khung pháp lý cao hơn để giải quyết các vướng mắc hiện nay, trong đó có phương án xây dựng Luật Phòng chống mại dâm. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu theo hướng xây dựng luật.
Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để giải quyết vấn đề mại dâm, các nước phải rà soát lại các điều luật, chính sách; thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; ngăn ngừa bạo lực cũng như tăng cường sức mạnh của cộng đồng. Hiện trên thế giới có 4 mô hình về cách tiếp cận mại dâm dựa vào luật pháp gồm: Hình sự hóa, hình sự hóa một phần, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa. Tuy vậy, không có hình thức nào có thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra.
MỚI - NÓNG